Lễ Hội Gióng Phù Đổng - Thu hút hàng ngàn du khách
Vinacel - Sàn Giao Dịch TMĐT Kết Nối Trực Tiếp Nhà Cung Cấp Đến Người Tiêu Dùng | Cam kết bán hàng chính hãng, đúng giá, đúng chất lượng, giao hàng nhanh, đổi trả tại chỗ
CẨM NANG DU LỊCH

Lễ Hội Gióng Phù Đổng - Thu hút hàng ngàn du khách

Lễ Hội Gióng Phù Đổng - Thu hút hàng ngàn du khách

Hội Gióng là một lễ hội thường niên được tổ chức ở nhiều nơi tại Hà Nội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong bốn Tứ Bất Tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Có hai Hội Gióng tiêu biểu là Hội Gióng Sóc Sơn, ở Đền Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và Hội Gióng Phù Đổng ở Đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đã được Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Lễ Hội Gióng Phù Đổng - Lễ hội thường niên thu hút du khách
Lễ Hội Gióng Phù Đổng

Hàng năm Hội Gióng Phù Đổng lại thu hút hàng vạn người dân và du khách về quê hương Thánh Gióng, trong 3 ngày vào ngày mồng 7 đến ngày mồng 9 tháng 4 âm lịch:

“Ai ơi mồng 9 tháng 4 không đi Hội Gióng cũng hư mất người”

Từ trung tâm huyện Gia Lâm, thẳng đến cuối đường Cổ Bi, rẽ phải đi dọc theo đê sông Đuống ngót chục cây số là đến thôn Lệ Chi Nam, quen gọi thôn Chi Nam. Theo truyền ngôn, thôn Chi Nam được hình thành từ đời Hùng Vương thứ VI, nằm cận kề bờ sông Đuống. Trải qua các đời, người dân nơi đây đã xây dựng được một cộng đồng làng xóm bền chặt, an cư trên khu đất rộng chừng 620 mẫu Bắc Bộ. Tại đây, cộng đồng Chi Nam đã cùng nhau xây dựng được một quần thể di tích văn hóa - tín ngưỡng với diện tích 10.800m2, bao gồm nghè, đình, chùa, trong đó, ngôi đình Chi Nam có gắn với sinh hoạt lễ hội phù Gióng từ nhiều trăm năm nay.

Lễ Hội Gióng Phù Đổng - Lễ hội thường niên thu hút du khách
Nhiều lễ hội diễn ra

Khác với Hội Gióng xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn là nơi dừng chân cuối cùng của ông Gióng trước khi về trời, Lễ Hội Gióng xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm là nơi tái hiện lại trận đánh chống giặc Ân xâm lược của nước Thánh Gióng năm xưa. Trong ngày khai hội mồng 7 tháng 4 âm lịch nhân dân xã Phù Đổng trang trọng tổ chức lễ Tế Thánh tại Đền Thượng cùng nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, trò chơi dân gian.

Sự khác biệt giữa lễ Hội Gióng Phù Đổng Gia Lâm với Đền Sóc là đều thể hiện chung trong nội dung lễ hội, ngoài phần Tế Lễ có phần diễn xướng thể hiện các trích đoạn có tướng của Thánh Gióng đã giúp ngài đánh giặc và tiêu biểu là hội Trận.

Lễ Hội Gióng Phù Đổng - Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại
Đền Gióng

Hội Trận diễn ra vào mồng 9 tháng 4 âm lịch khi toàn bộ không gian lễ hội trở thành một kịch trường dân gian rộng lớn với hàng trăm vai diễn tiến hành theo một kịch bản đã được chuẩn hóa để biểu đạt những ý tưởng và triết lý dân gian. Hội Gióng Phù Đổng có dàn vai diễn hết sức phong phú và độc đáo, quan trọng và vinh dự nhất là được vào vai các ông Hiệu, hệ thống tướng lĩnh của ông Gióng.

Thời điểm trọng tâm và náo nhiệt nhất của toàn bộ diễn trình Hội Gióng khi mà người dân và hàng ngàn du khách háo hức chờ xem nghi lễ quan trọng nhất chính là trận đánh Soi Bia, mô phỏng trận đánh ác liệt được coi là chiếc bia soi muôn đời đối với những kẻ nào muốn nhòm ngó đất nước. Ông Hiệu cờ hiện thân của Thánh Gióng múa cờ lệnh với các động tác chính xác khéo léo và linh hoạt thể hiện sự nghiêm minh trong phép luyện quân và sự mưu lược sáng tạo trong binh pháp.

Lễ Hội Gióng Phù Đổng - Lễ hội thường niên thu hút du khách

Nên đi đền Gióng vào thời gian nào thích hợp?

Lễ hội đền Gióng được diễn ra thường niên vào ngày 7 tới 9 tháng Giêng, vì vậy thời điểm tốt nhất để du lịch Đền Gióng đó chính là vào những ngày lễ hội này.

Khi lễ hội Gióng diễn ra trong ba ngày với đầy đủ các nghi lễ như: Lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng . đặc biệt trước khi diễn ra hội chính thức là vào đêm mùng 6 âm lịch tại đền diễn ra lễ Dục Vọng để mời thánh về với các lễ vật được chuẩn bị chu đáo.

Nếu bạn không thích sự đông đúc mà thích không gian yên tĩnh thì có thể tới đến đây vào bất cứ thời điểm nào trong năm đều rất tuyệt vời.

Đường đi đến Đền Gióng Phù Đổng

Có thể đi bằng xe bus, bằng phương tiện cá nhân (ô tô, xe máy)

Lễ Hội Gióng Phù Đổng - Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại
Bản đồ đến Đền Gióng Phù Đổng

Đền Gióng, Phù Đổng - Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại

Đến đền Phù Đổng hay còn gọi là đền Gióng để rời xã khói bụi đô thành, để thưởng thức vẻ đẹp nơi thôn dã, nghiêng mình trước những công trình kiến trúc thách thức với thời gian. Và hơn hết, để ôn lại những câu chuyện truyền thuyết, trang vàng lịch sử. 

Nằm thấp dưới đường đê, đền Gióng ngự trên một khu đất đẹp, tương truyền được xây dựng trên chính nền ngôi nhà cũ nơi Gióng sinh ra. Trước đây, nơi này chỉ là một thảo am nhưng vua Lý Thái Tổ khi dời đô ra Thăng Long đã cho xây dựng thành một ngôi đền khang trang.

Trải qua nhiều lần trùng tu, ngôi đền hiện tại chủ yếu là những mảnh ghép của những công trình thời Lý, thời Lê Trung Hưng, thời nhà Nguyễn và có cả những phần mang màu sắc đương đại. 

Lễ Hội Gióng Phù Đổng - Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại
Lễ rước kiệu Hội Gióng

Nay đền còn Chính điện, Bái đường, nhà thiêu hương, hà thủy đình để múa rối nước ở ao trước đền. Tam quan được xây vào cuối thế kỷ XIX, tượng Thánh Gióng khá lớn, đặt trong chính điện, ngồi giữa hai dãy tượng 6 quan văn, võ hầu cận, 2 phỗng quỹ và 4 viên cận binh.  

Hiện vật đáng quý ở đây là đồi rồng đá cách điệu làm bậc thềm, nét chạm khỏe và phóng khoáng; đôi sư tử đá tạc từ đời Lê Dụ Tông (1705), thềm đền trang trí hình rồng. Ngai thờ thuộc thời Lê khá đẹp. Đôi chóe sứ cổ, tương truyền là do ái phi Đặng Thị Huệ tiến cuối thế kỷ XVIII. Ngoài ra còn có bia câu đối của Nguyễn Du, Cao Bá Quát ...

Từ trên đê nhìn xuống cả đền Gióng như thu vào tầm mắt với những nét cổ kính, linh thiêng, trước đền có thủy đình nằm trong hồ bán nguyệt, được xây dựng từ thời Lý. Màu thời gian như dồn tụ lại nơi đây khi bạn khẽ chạm tay vào những viên gạch của cổng đền. Màu của quá khứ của lịch sử đến hơn 100 năm có lẻ.

TVC giới giới lễ hội Đền Gióng

Đền Gióng nằm trên một khu đất đẹp, tương truyền được xây dựng chính trên nền ngôi nhà cũ nơi Gióng sinh ra. Trước đây, nơi này chỉ là một thảo am nhưng vua Lý Thái Tổ khi dời đô ra Thăng Long đã cho xây dựng thành một ngôi đền khang trang. Trải qua nhiều lần trùng tu, ngôi đền hiện tại chủ yếu là những mảnh ghép của những công trình thời Lý, thời Lê Trung Hưng, thời nhà Nguyễn và có cả những phần mang màu sắc đương đại.

Là người Việt Nam chắc ai cũng biết đến Gióng, cậu bé sau ba năm đã vụt lớn để trở thành người anh hùng vung gậy sắt, nhổ từng khóm tre đánh giặc. Nhưng không nhiều người trong chúng ta biết đến ngôi đền được xây dựng tại chính mảnh đất cậu bé ấy sinh ra (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) và những phát hiện mới nhất đằng sau người anh hùng dân tộc này. 

Cổng đền được xây dựng bằng gạch, đến nay đã được 109 năm. Phía sau cổng là nhà tám mái (đúng ra là có hai tầng, mỗi tầng 4 mái), khá giống với nhà tám mái trước chùa Láng vì cũng được xây dựng từ thời Lý. 

Lễ Hội Gióng Phù Đổng - Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại
Đền Gióng

Nhìn từ phía ngoài thì nhà tám mái không lớn, nhưng nếu có một ống kính góc rộng, nằm ngửa ra giữa nhà mà chụp thì chắc chắn bạn sẽ thấy rõ sự kỳ vĩ của nó. Dưới mỗi góc độ lại hiện ra một hình thù rất khác.  

Bước vào trong là khu nhà tám mái cho mỗi du khách một cảm nhận, có cái thâm trầm uy nghiêm lại có cái thanh tịnh phảng phất, trầm mặc mà vẫn có nét thanh tao. Đặc biệt du khách sẽ được thấy bộ chiêng trống ấn tượng được gióng lên mỗi khi khai hội đền Gióng. 

Cặp chiêng trống có đường kính lên tới 1,2m với độ lớn tương đương  chiếc trống đại được trưng bày tại lễ hội hoa vừa rồi, vào mùa lễ hội, tiếng trống, tiếng chiêng rền vang sẽ làm không khí thêm phần hào hùng trong những hoạt cảnh tái diễn trận chiến anh hùng của Thánh Gióng.

Lễ Hội Gióng Phù Đổng - Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại
Hội Gióng tái diễn trận chiến anh hùng của Thánh Gióng

Sau nhà tám mái là nhà tiền tế, là nơi để thực hiện các nghi lễ. Tại đây, du khách có thể dễ dàng nhận thấy sự chênh lệch “tuổi tác” khi bên trên những cột gỗ có từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17) là những bức hoành phi ghi lại những lời nói của Bác Hồ, những vần thơ Tố Hữu.

Với mỗi ngôi đền thì phần quan trọng nhất bao giờ cũng là hậu cung, đền Gióng cũng vậy, đây là nơi đặt bức tượng Gióng cao hơn 2m, được tạc từ cách đây trên 100 năm. Bên cạnh có hai hàng tượng gồm 6 quan văn võ, 2 người hầu đứng, 2 phỗng quỳ và 4 lính hầu.

Và rồi, tâm hồn du khách như được lắng lại trong cái thinh không, thanh tịnh khi bước vào không gian của chùa Kiến Sơ, công trình gắn liền với đền Gióng, nơi thờ tam đạo (Nho, Phật, Đạo). Từng nhịp chuông ngân đều cùng những tiếng đọc kinh của các cụ trong làng cho ta cảm nhận thanh bình, cho những phút lắng lòng với đời.  

Lễ Hội Gióng Phù Đổng - Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại
Quang cảnh lễ hội đền Gióng

Về với đền Gióng hôm nay không chỉ là để nhớ về lịch sử của cậu bé làng Gióng, cậu bé sau ba năm đã vụt lớn để trở thành người anh hùng vung gậy sắt, nhổ từng khóm tre đánh giặc mà hơn hết còn tìm lại những phút lắng hồn của riêng mình chỉ với chưa đầy nửa tiếng đồng hồ đi xe máy….

Các địa điểm di tích ở Phù Đổng

Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Phù Đổng gồm 8 điểm di tích thành phần, phân bố trên địa bàn 3 thôn của xã Phù Đổng, với tổng diện tích 60.343,7m2.

Đền Thượng (đền Phù Đổng Thiên Vương), là ngôi đền chính, quay hướng Nam, trông ra đê sông Đuống. Đền gồm các hạnh mục: Thủy đình, cổng ngũ môn (năm cửa), phương đình, tiền đường, trung đường, hậu cung, tả hữu mạc, nhà giám, nhà ba gian, nhà khách, nhà hiệu.

Thủy đình nằm ở giữa ao đình, phía trước đền, có mặt bằng hình vuông, với hai tầng, 8 mái, lợp ngói mũi hài. Các bộ vì có kết cấu chồng rường giá chiêng, hoành mái được phân khoảng theo kiểu thượng tam, hạ tam. Hệ mái tì lực trên 4 hàng chân cột.

Lễ Hội Gióng Phù Đổng - Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại
Di tích lịch sử cùng kiến trúc nghệ thuật Đền Phù Đổng

Cổng ngũ môn (năm cửa) với 3 cửa chính và 2 cửa phụ, mang dáng dấp đồ sộ như một cổng thành, được xây bằng gạch, các khuôn cửa đều có cấu tạo dạng vòm cuốn, cánh cửa kiểu thượng song, hạ bản. Trên cổng là tòa nhà kiểu 2 tầng 8 mái.

Phương đình là tòa nhà 2 tầng 8 mái, lợp ngói mũi hài, có mặt bằng nền hình vuông, bờ nóc, bờ dải đắp hình hoa chanh, hoa văn hình học, 8 góc đao gắn hình lá lật. Hệ khung mái được đỡ bởi 4 hàng cột, kết cấu vì dạng thượng rường, hạ cốn.

Tiền tế gồm 5 gian, 2 dĩ, tường hồi bít đốc, mái kiểu chồng diêm hai tầng, hệ mái tì lực trên 6 bộ vì gỗ, trong đó, 4 bộ vì giữa được kết cấu theo dạng thượng đinh, hạ kẻ, 2 vì hồi kiểu thượng giá chiêng, hạ cốn, bẩy hiên.

Trung tế gồm 5 gian, 2 dĩ, mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc, bờ dải đắp kiểu bờ đinh, hai đầu hồi xây tường bao, mặt trước và mặt sau để trống, bộ khung gồm 6 bộ vì gỗ, tì lực trên 6 hàng chân cột, 4 vì giữa kiểu thượng đinh, hạ kẻ, 2 bộ vì bên kiểu thượng giá chiêng, hạ cốn, bẩy hiên.

Lễ Hội Gióng Phù Đổng - Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại
Giếng mắt rồng nằm trong khuôn viên Đền Phù Đổng

Hậu cung có mặt bằng kiến trúc dạng chữ Công, gồm ngoại cung, ống muống và hậu cung.

Tả mạc, hữu mạc là 2 dãy nhà, mỗi bên 9 gian, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, bộ khung mỗi tòa gồm 10 bộ vì kiểu thượng giá chiêng, hạ cốn, bẩy hiên.

Nhà khách có mặt bằng hình chữ Nhất, tường hồi bít đốc, hệ thống cửa bức bàn, hai đầu bờ nóc đắp rồng lá cách điệu, bộ khung gồm 4 bộ vì, được kết cấu theo kiểu chồng rường giá chiêng, mái phân khoảng hoành kiểu thượng tam, hạ ngũ, hệ khung mái tì lực trên 3 hàng chân cột.

Nhà giám có mặt bằng dạng chữ U, gồm cung chính và 2 dãy nhà ngang hai bên, cung chính gồm 5 gian, 2 dĩ, mái lợp ngói mũi hài,  6 bộ vì gỗ được kết cấu theo kiểu thượng giá chiêng, hạ kẻ ngồi, bẩy hiên, tì lực trên 6 hàng chân cột.

Đền Hạ, còn gọi là đền Mẫu, quay hướng Tây, tọa lạc ở vị trí ngoài đê sông Đuống, bao gồm các hạng mục: Nghi môn, tả - hữu mạc và kiến trúc chính dạng chữ Tam, gồm tiền tế, trung tế và hậu cung.

Lễ Hội Gióng Phù Đổng - Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại
Quang cảnh lên Đền Gióng

Nghi môn gồm 3 cửa dạng vòm cuốn, trên cửa chính (giữa) xây tòa nhà 8 mái, Tả - hữu mạc, mỗi bên 5 gian, 2 dĩ, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, bộ khung mỗi tòa gồm 6 bộ vì gỗ, được kết cấu kiểu thượng giá chiêng, hạ cốn, tì lực trên 6 hàng chân cột.

Tiền tế gồm 5 gian, 2 chái, bốn mái với 4 đao cong hình lá lật, các bờ guột được gắn những đầu kìm cách điệu, hai đốc mái đắp hai đấu hình chữ Nhật, bên cạnh gắn các đầu rồng chầu vào bờ nóc, mái lợp ngói mũi hài. Trung tế gồm 5 gian, 2 chái, có hình thức kết cấu kiến trúc giống tòa tiền tế. Hậu cung gồm 5 gian, 2 dĩ, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, bộ khung gồm 6 bộ vì gỗ, được kết cấu theo kiểu thượng chồng rường, hạ kẻ, tì lực trên 6 hàng chân cột, hoành mái được phân khoảng kiểu thượng tam, hạ tứ.

Miếu Ban, nằm cách đền Thượng khoảng 200m, ở phía bên trong đê sông Đuống, gồm nghi môn, tả - hữu vu, sân, kiến trúc chính dạng chữ Đinh.

Nghi môn gồm 2 tầng, với 4 mái kiểu chồng diêm, lợp ngói mũi hài. Chính giữa nóc mái đắp hình mặt trời, bờ nóc, bờ dải trang trí hình hoa chanh, 4 góc đao đều gắn đầu rồng cách điệu. Tầng dưới có tường hồi bít đốc dạng tay ngai, mái lợp ngói ta, nhà giải vũ mỗi bên 2 gian, với 3 bộ vì, được kết cấu kiểu thượng giá chiêng, hạ bẩy, hoành mái được phân khoảng kiểu thượng nhị, hạ tam.

Lễ Hội Gióng Phù Đổng - Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại
Đoàn rước nước đi thành hàng một cách long trọng

Tòa tiền tế gồm 7 gian, tường hồi bít đốc dạng tay ngai, mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc đắp trang trí hình hoa chanh, chính giữa đắp bức cuốn thư có hình hổ phù, hai đầu hồi đắp hai đấu hình chữ Nhật, ở vị trí đầu kìm gắn hai đầu rồng quay về phía giữa bờ nóc. Bộ khung gồm 8 bộ vì, được kết cấu kiểu thượng rường, hạ kẻ suốt hoặc thượng rường, hạ cốn, tì lực trên trên 8 hàng cột.

Miếu là một nếp nhà 1 gian, 2 chái, ở phía sau tiền tế, hợp với tiền tế thành một kiến trúc có mặt bằng hình chữ Đinh, toà này được xây theo kiểu tường hồi bít đốc, hệ khung có 2 bộ vì, được kết cấu kết dạng thượng ván mê, hạ cốn, tì lực trên 2 hàng chân cột.

Đình Hạ mã, nằm phía trái đền Thượng, có diện tích khoảng 200m2. Hiện nay, kiến trúc này chỉ còn phần móng, đình đã bị huỷ hoại do không được tu sửa.

Cố viên, còn gọi là vườn rau, hay vườn cà, nằm trên thềm đất bãi sông, cách đền Hạ khoảng 500m, tương truyền, mẹ Gióng ra vườn này hái rau, rồi ướm vào vết chân người khổng lồ, về nhà mang thai, sinh ra Gióng, ở đây có 1 ngôi miếu nhỏ, với kết cấu 2 tầng, 8 mái, 4 mặt để thông. Bên cạnh có hòn đá hình thù đặc biệt, với nhiều vết lồi, lõm, được coi là vết chân người khổng lồ và một tấm bia mang dòng chữ “Đổng Thiên Vương Thánh Mẫu Cố trạch”.

Lễ Hội Gióng Phù Đổng - Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại
Cổng vào Giá ngự

Giá ngự, mới được phục dựng vào đầu thế kỷ XX, nằm ở phía bên kia đê, thuộc khoảng giữa đền Thượng và đền Hạ, cổng vào Giá ngự có 2 trụ biểu cao khoảng 6m, đỉnh trụ đắp tượng nghê, phía dưới đắp đấu hình vuông, các ô lồng đèn đắp tứ linh, tứ quý, thân trụ bổ khung đắp câu đối.

Khu đánh cờ Đống đàm, là một bãi đất rộng, nằm cách đền Thượng khoảng 3 km, thuộc thôn Phù Đổng là nơi diễn ra trận đánh giặc Ân lần thứ nhất của Gióng trong hội.

Bãi đánh cờ - Soi bia, thuộc địa phận thôn Phù Đổng là nơi diễn ra trận đánh giặc Ân lần thứ hai của Gióng trong hội.

Ngoài nghệ thuật kiến trúc, giá trị của di tích đền Phù Đổng còn được khẳng định qua hệ thống di vật, cổ vật, mang tính đa dạng, phong phú về chủng loại và chất liệu, trong đó, phải kể đến 37 đạo sắc phong có niên đại thời Lê Trung Hưng, Tây Sơn và thời Nguyễn; hệ thống bia đá, rồng đá, nghê đá, hoành phi, câu đối, cửa võng, long ngai, kiệu, hương án, tượng thờ, bát bửu… mang giá trị nghệ thuật cao, gắn với nhiều giai đoạn lịch sử của lịch sử dân tộc, hàm chứa những quan niệm, triết lý nhân sinh sâu sắc.

Lễ Hội Gióng Phù Đổng - Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại
Đền Gióng Phù Đổng - Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại

Nhờ Hội Gióng mà nhân dân xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm lưu truyền được nhiều tập tục đẹp đã được Unesco vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ năm 2010. Đây không chỉ là một lễ hội được cộng đồng truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác coi như một phần bản sắc của làng xã quê hương mà còn chứa đựng trong đó những sáng tạo mang tầm nhân loại thể hiện khát vọng về một cuộc sống thịnh vượng cho mỗi gia đình về một nền hòa bình cho đất nước.

Đi – Đến – Cảm nhận và lắng hồn cùng lịch sử cùng thời gian giữa nhịp sống hiện đại ồn ào, xô bồ và tất bật. Hội Gióng - Một di sản văn hóa quý của dân tộc cần được bảo tồn một cách xứng đáng.

Lễ Hội Gióng Phù Đổng - Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại

Anh/Chị muốn làm đại lý online, cộng tác viên online (Kinh doanh online không cần vốn)

Đăng ký qua link: https://aff.thuonghieuvietnoitieng.com/admin/register

Hoặc liên hệ hotline : 0983837488,0912888586 để được hỗ trợ trực tiếp !