Bưu phẩm bảo đảm là dịch vụ chấp nhận, vận chuyển và phát bưu phẩm đến địa chỉ nhận trong nước và quốc tế; bưu phẩm được gắn số hiệu để theo dõi, định vị trong quá trình chuyển phát.
Phạm vi cung cấp dịch vụ: Toàn quốc
Quy định về khối lượng/kích thước
a. Giới hạn kích thước của bưu thiếp:
- Kích thước tối đa: 165 mm x 245 mm, với sai số 2 mm.
- Kích thước tối thiểu: 90 mm x 140 mm, với sai số 2 mm.
- Tỷ lệ tối thiểu giữa chiều dài và chiều rộng: dài = rộng x (≈ 1,4).
b. Giới hạn kích thước của gói nhỏ:
- Kích thước tối thiểu: 210 x 148 mm.
- Kích thước tối đa: Tổng chiều dài, chiều rộng và chiều cao là 900 mm, nhưng kích thước chiều lớn nhất không vượt quá 600 mm, với sai số 2 mm. Nếu cuộn tròn, chiều dài cộng hai lần đường kính là 1040 mm, nhưng kích thước lớn nhất không vượt quá 900 mm.
c. Giới hạn kích thước của các loại bưu phẩm khác:
- Kích thước tối đa: Tổng chiều dài, chiều rộng và chiều cao là 900 mm, nhưng kích thước chiều lớn nhất không vượt quá 600 mm, với sai số 2 mm. Nếu cuộn tròn, chiều dài cộng hai lần đường kính là 1040 mm, nhưng kích thước lớn nhất không vượt quá 900 mm, với sai số 2 mm.
- Kích thước tối thiểu: Một mặt kích thước không nhỏ hơn 90 mm x 140 mm với sai số 2 mm. Nếu cuộn tròn: chiều dài cộng hai lần đường kính là 170 mm, nhưng kích thước chiều lớn nhất không nhỏ hơn 100 mm
Dịch vụ giá trị gia tăng
a. Chấp nhận tại địa chỉ: Bưu điện đến địa chỉ khách hàng để nhận bưu gửi theo yêu cầu hoặc theo hợp đồng đã kí kết.
b. Đóng gói: Bưu điện cung cấp bao bì, đóng gói bưu gửi theo yêu cầu của khách hàng.
c. Phát hàng thu tiền COD: Khi phát bưu gửi, Bưu điện thu hộ một khoản tiền từ người nhận và thanh toán khoản tiền đó cho người gửi bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản.
d. Khai giá (V): Bưu điện bồi thường cho khách hàng theo trị giá bưu gửi kê khai vào thời điểm chấp nhận bưu gửi trong trường hợp bưu gửi bị mất, hỏng do lỗi của Bưu điện Việt Nam.
e. Rút lại bưu gửi: Bưu điện dừng việc chuyển phát bưu gửi để chuyển lại cho người gửi. Dịch vụ này chỉ áp dụng cho bưu phẩm bảo đảm chưa hết thời gian toàn trình và không bị tịch thu hoặc tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
f. Thay đổi họ tên, địa chỉ người nhận bưu gửi: Bưu điện chuyển phát bưu gửi đến người nhận và/hoặc địa chỉ nhận khác với người nhận/địa chỉ nhận trên bưu gửi. Dịch vụ này chỉ áp dụng cho bưu phẩm bảo đảm chưa hết thời gian toàn trình và không bị tịch thu hoặc tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
g. Thu cước nơi người nhận (C): Bưu điện thực hiện chuyển phát bưu gửi và thu ở người nhận các khoản cước phát sinh theo hợp đồng đã ký kết với người nhận/người gửi.
h. Phát tận tay (PTT): Bưu điện phát bưu gửi đến đúng người nhận. Dịch vụ Phát tận tay không được áp dụng khi người nhận là lãnh đạo các cơ quan Đảng, chính quyền trung ương và địa phương.
i. Báo phát (AR): Bưu điện lấy kí nhận của người nhận bưu gửi trên Phiếu báo phát hoặc trên mẫu biên nhận của khách hàng để chuyển lại cho người gửi.
j. Báo phát SMS/Email (AR SMS/AR Email): Bưu điện gửi tin nhắn SMS/Email đến số điện thoại/địa chỉ email mà người gửi cung cấp khi gửi bưu gửi để thông báo kết quả phát.
k. Phát đồng kiểm (PĐK): Bưu điện kiểm đếm số lượng bưu gửi hoặc kiểm đếm chi tiết nội dung bưu gửi khi chấp nhận và phát bưu gửi; lấy dấu xác nhận của cơ quan, tổ chức nhận lên Biên bản giao nhận hoặc mẫu chứng từ giao nhận của khách hàng rồi chuyển lại cho người gửi.
l. Phát theo yêu cầu người nhận: Bưu điện thay đổi địa điểm, phương thức, thời gian phát bưu gửi theo yêu cầu của người nhận.
m. Lưu ký: Bưu điện giữ bưu phẩm tại điểm phục vụ bưu chính và thông báo để người nhận trực tiếp đến nhận.
n. Hộp thư thuê bao: Bưu điện cho khách hàng thuê hộp thư tại điểm phục vụ bưu chính để nhận bưu phẩm. Mỗi hộp thư được đánh số riêng và chỉ dành cho một khách hàng.
o. Chuyển hoàn: Bưu điện chuyển lại bưu phẩm bảo đảm không phát được theo yêu cầu của người gửi trên Vận đơn.
Khách hàng có thể lựa chọn thời gian và phương thức thực hiện việc chuyển hoàn bưu phẩm bảo đảm như sau:
- Ngay sau khi phát bưu gửi tại địa chỉ khách hàng lần thứ hai (02) không thành công; hoặc hai (02) ngày sau khi phát giấy mời lần thứ hai (02) mà khách hàng không đến bưu cục để nhận bưu gửi;
- Khi hết thời gian lưu giữ theo quy định của Bưu điện Việt Nam;
- Sau thời gian Khách hàng yêu cầu.
Khiếu nại, bồi thường
Thời hiệu khiếu nại
a. Sáu (06) tháng kể từ ngày kết thúc thời gian toàn trình của bưu gửi đối với khiếu nại về việc mất bưu gửi, chuyển phát bưu gửi chậm so với thời gian toàn trình đã công bố; trường hợp thời gian toàn trình của dịch vụ chưa được công bố thì thời hiệu này được tính từ ngày bưu gửi được chấp nhận.
b. Một (01) tháng kể từ ngày bưu gửi được phát cho người nhận đối với khiếu nại về việc bưu gửi bị suy suyển, hư hỏng, về giá cước và các nội dung khác có liên quan trực tiếp đến bưu gửi.
Thời hạn giải quyết khiếu nại
a. Thời hạn giải quyết khiếu nại tối đa đối với dịch vụ trong nước là hai (02) tháng kể từ ngày khiếu nại được tiếp nhận.
b. Thời hạn giải quyết khiếu nại tối đa đối với dịch vụ quốc tế là ba (03) tháng kể từ ngày khiếu nại được tiếp nhận.
Nguyên tắc bồi thường
- Việc bồi thường thiệt hại trong trường hợp bưu gửi bị mất, hư hỏng hoặc bị tráo đổi toàn bộ được xác định theo mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại toàn bộ đối với dịch vụ mà khách hàng sử dụng.
- Việc bồi thường trong trường hợp bưu gửi bị mất, hư hỏng hoặc tráo đổi một phần được xác định trên cơ sở thiệt hại thực tế, nhưng không cao hơn mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại toàn bộ đối với dịch vụ mà khách hàng sử dụng, trừ trường hợp Bưu điện và khách hàng có thỏa thuận khác.
- Mức giới hạn trách nhiệm bồi thường do Bưu điện ban hành trên cơ sở mức bồi thường do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
- Tiền bồi thường được thanh toán bằng đồng Việt Nam, việc chi trả được thực hiện một lần trừ trường hợp Bưu điện Việt Nam và khách hàng có thỏa thuận khác.
- Tiền bồi thường được trả cho người gửi, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; trường hợp bưu gửi bị hư hỏng, mất một phần mà người nhận đồng ý nhận phần còn lại thì tiền bồi thường được trả cho người nhận.
- Việc bồi thường thiệt hại trực tiếp được thực hiện trên cơ sở hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính. Không bồi thường thiệt hại gián tiếp ngoài hợp đồng hoặc các nguồn lợi không thu được do việc cung ứng dịch vụ bưu chính không bảo đảm chất lượng mà hai bên đã thỏa thuận.
TVC giới thiệu Bưu điện Việt Nam
Mức bồi thường
- Trường hợp bưu phẩm bị mất hoặc hư hại hoàn toàn:
Mức bồi thường bằng bốn (04) lần cước dịch vụ khách hàng đã thanh toán (có bao gồm thuế GTGT).
- Trường hợp bưu phẩm bị mất hoặc hư hại một phần: Mức bồi thường tối đa như sau:
Số tiền bồi thường = (tỷ lệ % khối lượng bưu phẩm bị mất hoặc hư hại) x (mức bồi thường trong trường hợp bị mất hoặc hư hại hoàn toàn).
Ghi chú: Tỷ lệ % khối lượng bưu gửi bị mất hoặc hư hại được xác định căn cứ vào biên bản lập có xác nhận của người gửi.
- Trường hợp bưu phẩm bị chuyển hoàn sai do lỗi của Bưu điện: Miễn cước chuyển hoàn và bồi thường bằng cước dịch vụ khách hàng đã thanh toán (có bao gồm thuế GTGT).
Thêm đánh giá