Lễ Hội Chùa Thầy – Nét đẹp văn hóa Xứ Đoài
Vinacel - Sàn Giao Dịch TMĐT Kết Nối Trực Tiếp Nhà Cung Cấp Đến Người Tiêu Dùng | Cam kết bán hàng chính hãng, đúng giá, đúng chất lượng, giao hàng nhanh, đổi trả tại chỗ
CẨM NANG DU LỊCH

Lễ Hội Chùa Thầy – Nét đẹp văn hóa Xứ Đoài

Lễ Hội Chùa Thầy – Nét đẹp văn hóa Xứ Đoài

Từ trung tâm Hà Nội theo đại lộ Thăng Long khoảng hơn 20km về hướng Tây Nam chúng ta sẽ đến với quần thể di tích Chùa Thầy thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai nơi đây có phong cảnh hữu tình với kiến trúc của ngôi chùa cổ có bề dày hàng nghìn năm lịch sử cùng sự hùng vĩ của núi Thầy đã làm say lòng biết bao nhiêu du khách.

Lễ Hội Chùa Thầy – Nét đẹp văn hóa Xứ Đoài
Quần thể di tích thắng cảnh Chùa Thầy

Trong quần thể di tích lịch sử văn hóa vùng xứ Đoài, thì chùa Thầy được coi là một điểm đến hấp dẫn đối với nhiều du khách. Bởi đây không chỉ là một điểm du lịch danh thắng, nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh mà nơi đây còn là một di tích lịch sử, nơi Bác Hồ đã đến thăm và làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Chùa là một quần thể kiến trúc gồm Chùa Hạ, Chùa Trung, Chùa Thượng, Chùa Cao, Chùa một mái, Chùa Bối Am, Hang Cắc Cớ, Hang Bút Gió... tất cả các công trình kiến trúc này đều tọa lạc trên thế đất mà dân gian vẫn quen gọi là khu đất Hàm Rồng.

Lễ Hội Chùa Thầy – Nét đẹp văn hóa Xứ Đoài
Ngôi Chùa với kiến trúc hàng ngàn năm tuổi

Theo các tư liệu lịch sử Chùa Thầy được xây dựng vào thời Lý là nơi lưu dấu ấn tu hành của vị cao tăng nổi tiếng thời Lý đó là Thiền Sư Từ Đạo Hạnh. Chùa Thầy là ngôi Chùa cổ mọi kết cấu vì kèo, nghệ thuật chạm khắc rất hòa hợp với nhau tạo cho khách tham quan những cảm nhận khá rõ ràng về sự linh thiêng, gần gũi và từ bi của Đạo Phật.

Không chỉ đẹp về cảnh quan, độc đáo về kiến trúc mà nơi đây còn lưu giữ khối di vật đồ sộ có niên đại trải dài từ thời Lý đến ngày nay như bệ đá Tòa Sen lớn nhất Việt Nam hai cột và Lưng Ngai bằng gỗ thời Trần cổ nhất Việt Nam, 36 pho tượng cổ, trong đó có bộ 3 tượng Di Đà Tam Tôn cổ nhất Việt Nam được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

TVC giới thiệu Hội Chùa Thầy

Lịch sử Chùa Thầy

Cùng với chùa Tây Phương và Chùa Hương, Chùa Thầy là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất Hà Nội. Nếu như Chùa Láng gắn liền với giai đoạn đầu của cuộc đời Từ Đạo Hạnh, thì chùa Thầy lại chứng kiến quãng đời sau cùng cho đến ngày thoát xác của vị sư thế hệ thứ 12 thuộc dòng Thiền Ti-ni-đa-lưu-chi này.

Ban đầu chùa Thầy chỉ là một am nhỏ gọi là Hương Hải am, nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh trụ trì. Vua Lý Nhân Tông đã cho xây dựng lại gồm hai cụm chùa: chùa Cao (Đỉnh Sơn Tự) trên núi và chùa Dưới (tức chùa Cả, tên chữ là Thiên Phúc Tự). Đầu thế kỷ 17, Dĩnh Quận Công cùng hoàng tộc chăm lo việc trùng tu, xây dựng điện Phật, điện Thánh; sau đó là nhà hậu, nhà bia, gác chuông.

Theo thuyết phong thủy, chùa được xây dựng trên thế đất hình con rồng, phía trước chùa, bên trái là ngọn Long Đẩu, lưng chùa và bên phải dựa vào núi Sài Sơn. Chùa quay mặt về hướng Nam, trước chùa, nằm giữa Sài Sơn và Long Đẩu là một hồ rộng mang tên Long Chiểu hay Long Trì (ao Rồng), sân có hàm rồng.

 

Lễ Hội Chùa Thầy – Nét đẹp văn hóa Xứ Đoài

Kiến trúc Chùa Thầy

Phần chính của chùa Thầy gồm ba tòa song song với nhau gọi là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Giữa chùa Hạ và chùa Trung có ống muống nối với nhau, tạo thành thế hạ công thượng nhất.

Chùa Hạ là nhà tiền tế, bày các tượng Đức Ông, Thánh hiền, Ống muống để tượng Bát bộ Kim Cương. Chùa Trung bày bàn thờ Phật, hai bên có hai tượng Hộ pháp, tượng Thiên vương. Chùa Thượng hay chùa trên tách biệt hẳn, ở vị trí cao nhất, biển đề Đại hùng Bảo điện, đồng thời là nhà thánh, để tượng Di Đà tam tôn,Thích Ca, tượng ba kiếp của thiền sư Từ Đạo Hạnh, ban thờ Lý thần Tông còn có 1 đôi Phượng Hoàng gỗ, 2 tượng Phỗng thế kỷ 18 đời vua Lê Ý Tông.

Lễ Hội Chùa Thầy – Nét đẹp văn hóa Xứ Đoài
Kiến trúc Chùa Thầy

Xung quanh chùa có hai dãy hành lang phía sau có lầu chuông, lầu trống, tương truyền do bà Chúa Chè Tuyên Phi Đặng Thị Huệ xin với chúa Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm xây dựng khi về thăm chùa.

Phía trước chùa là một sân rộng nhìn ra hồ Long Chiểu, tạo thành hàm của rồng trước trồng hai cây gạo, nhưng hiện tại hai cây gạo đã chết, được thay bởi cây đa. Từ sân này có hai cầu là Nhật tiên kiều và Nguyệt tiên kiều nối sang hai bên, tạo thành hai râu rồng. Hai cầu này do Phùng Khắc Khoan xây vào năm 1602. Cầu Nhật Tiên nối sang một hòn đảo nhỏ, trên đảo có đền thờ Tam phủ, Cầu Nguyệt Tiên nối vào đường lên núi.

Giữa ao Long Chiểu có thủy đình là viên ngọc giữa miệng rồng là nơi diễn ra trò múa rối nước, Từ Đạo Hạnh được cho là ông tổ của hình thức biểu diễn dân gian này.

Hội chùa Thầy không chỉ có những nghi thức tôn giáo, trò múa rối nước mang đậm sắc thái dân gian mà ngày nay có tiếng vang ở nhiều nước. Trai thanh gái lịch gần xa tìm đến hội chùa Thầy còn để thỏa mãn tính mạo hiểm khi leo núi và khao khát bày tỏ tình yêu trong một khung cảnh thiên nhiên rộng mở.

Lễ Hội Chùa Thầy – Nét đẹp văn hóa Xứ Đoài
Trẩy hội chùa Thầy

Trong các ngày diễn ra lễ hội còn có nhiều trò chơi, đặc biêt là khách được xem nghệ thuật múa rối nước Việt Nam đặc sắc mà sân khấu biểu diễn ở ngay trước Thủy Ðình. Có nhiều tích trò rối như Thạch Sanh, Tấm Cám hay các cảnh sinh hoạt dân dã như đi cày, chăn vịt, đấu vật.

Trẩy hội chùa Thầy ngoài lễ Phật, khách còn hưởng thú vui leo núi, thưởng ngoạn cảnh trí thiên nhiên của xứ Ðoài. Ngoài ra khách còn được về thăm vùng quê nổi tiếng về văn hiến gắn với những huyền tích về những danh nhân, những thiền sư của nhiều thời đại đã từng đến đây và làm giàu thêm những giá trị truyền thống của miền đất danh thắng này. 

Không tổ chức hội linh đình, quy mô như những năm trước, nhưng đến với hội chùa Thầy năm nay, dường như mỗi người đều có thêm những cảm nhận rất mới và lạ. Cảm nhận đó, có lẽ bắt đầu từ một không gian di tích thoáng đãng, sạch sẽ và văn minh đem lại; cũng có thể từ sự đồng điệu trong ý thức cộng đồng bảo tồn, phát huy giá trị di tích danh thắng của mỗi người dân Sài Sơn đã khiến cho du khách có sự nhìn nhận như vậy. Chùa vẫn linh thiêng, núi vẫn huyền diệu, nhưng hôm nay vẻ đẹp của non nước chùa Thầy còn lung linh hơn, làm vui lòng khách đến hội chùa.

Lễ Hội Chùa Thầy – Nét đẹp văn hóa Xứ Đoài
Thưởng thức phong cảnh hữu tình Chùa Thầy

Giờ đây, đến với chùa Thầy, du khách hoàn toàn yên tâm chiêm ngưỡng phong cảnh non nước hữu tình, thưởng thức các màn rối nước đặc sắc- một môn nghệ thuật truyền thống mà Tổ sư của nghề không ai khác chính là Từ Đạo Hạnh truyền lại. Hội chùa Thầy diễn ra từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 3 âm lịch, nhưng cũng giống như chùa Hương, du khách đến chùa Thầy lai rai hết xuân và vãn cảnh quanh năm.

Chùa Thầy không chỉ là công trình kiến trúc cổ có giá trị, thỏa mãn các hoạt động tín ngưỡng mà còn thỏa mãn những hoạt động du lịch thắng cảnh hấp dẫn đối với du khách. Hội chùa Thầy hàng năm diễn ra là sự hòa hợp giữa tín ngưỡng dân gian, Phật giáo và Đạo giáo. Nhận thức được ý nghĩa và giá trị của di tích danh thắng và để phát huy giá trị đó, hàng năm xã Sài Sơn luôn dành kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ, tôn tạo, làm đẹp thêm phong cảnh chùa Thầy.

Lễ Hội Chùa Thầy – Nét đẹp văn hóa Xứ Đoài
Chùa Thầy - Công trình kiến trúc cổ có giá trị

Nên đi du lịch Chùa Thầy vào thời gian nào?

Hội chùa chính của chùa Thầy diễn ra từ 5-7/3 âm lịch (trong đó chính hội là ngày 7-3). Nếu muốn trải nghiệm và tìm hiểu về các nét văn hóa độc đáo của lễ hội này, các bạn có thể đến Chùa Thầy vào đúng hội, xác định trước rằng những dịp như này thì vô cùng đông nhé.

Nếu đơn giản bạn chỉ muốn đi vãn cảnh chùa Thầy, các bạn có thể đi vào những quãng thời gian mát mẻ, không đông du khách để được thoải mái hơn

Khoảng thời gian sau Tết (nhưng chưa đến chính hội), thời điểm này hầu hết mọi người đều du xuân, không khí vẫn còn khá mát mẻ, chưa bước vào cái oi bức mùa hè. Khoảng thời gian tháng 9-10, lúc này Hà Nội vào thu nên tiết trời cũng rất dễ chịu.

Đường đi đến Chùa Thầy

Phương tiện cá nhân

Cách trung tâm Hà Nội khoảng trên dưới 20km, tùy vị trí địa điểm xuất phát nên các bạn có thể sử dụng phương tiện cá nhân để di chuyển tới chùa Thầy.

Lễ Hội Chùa Thầy – Nét đẹp văn hóa Xứ Đoài
Đường đến Chùa Thầy

Xe ô tô

Nếu đi ô tô, các bạn sử dụng tuyến đường Đại lộ Thăng Long (CT08) tới nút giao Sài Sơn thì rẽ ra khỏi cao tốc, đi về phía bên phải khoảng 3km nữa sẽ thấy các thông tin chỉ dẫn phân làn phương tiện vào nơi gửi xe.

Xe máy

Nếu đi bằng phương tiện xe máy, các bạn đi men theo đường gom Đại lộ Thăng Long (trên Đại lộ Thăng Long cấm xe máy, các bạn lưu ý không đi vào để đảm bảo an toàn), từ ngã 4 Big C – Trần Duy Hưng đến điểm rẽ vào Chùa Thầy khoảng 15km.

Phương tiện công cộng

Nếu muốn đến chùa Thầy bằng phương tiện công cộng, các bạn có thể sử dụng xe buýt. Hiện từ trung tâm Hà Nội các bạn có thể tới cửa chùa Thầy bằng tuyến buýt CNG01 có lộ trình Bến xe Mỹ Đình – Bến xe Sơn Tây, xe sẽ dừng ngay cổng vào của khu di tích Chùa Thầy.

Lễ Hội Chùa Thầy – Nét đẹp văn hóa Xứ Đoài
Phương tiện công cộng đến Chùa Thầy

Giá vé tham quan Chùa Thầy

Giá vé thắng cảnh ở Chùa Thầy hiện ở mức 10k vé vào cổng, dịch vụ trông xe máy 10k, ô tô 30k. Các bạn có thể đi theo sát tuyến đường  421B tới sát cổng để giảm quãng đường đi bộ.

Để di tích Quốc gia đặc biệt phát huy tốt hơn những giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật...

Các địa điểm du lịch ở Chùa Thầy

Hồ Long Trì

Hồ nước rộng nằm ngay trước mặt Chùa Thầy, hồ còn được gọi là Long Chiểu có nghĩa là ao rồng.

Lễ Hội Chùa Thầy – Nét đẹp văn hóa Xứ Đoài
Hồ Long Trì

Thủy đình

Nằm ở giữa hồ Long Trì, 1 gian 2 dĩ, kiểu phương đình, chồng diêm hai tầng, 8 mái với các góc đao cong, Thuỷ đình xây dựng khoảng thời Hậu Lê (1533 – 1788), chia thành 2 cấp: Giữa ngập nước, hai bên cao trên mặt nước, là nơi để đồ diễn rối nước.

Lễ Hội Chùa Thầy – Nét đẹp văn hóa Xứ Đoài
Thủy đình

Cầu Nhật Tiên, Nguyệt Tiên

Kiến trúc kiểu “Thượng gia hạ kiều”, Cầu Nhật Tiên nằm bên trái chùa đi ra đảo nơi có đền thờ Tam phủ, Cầu Nguyệt Tiên ở bên phải chùa nối với bờ hồ lên núi, tương truyền hai cây cầu này do Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (1528 – 1613) xây dựng vào khoảng những năm đầu thế kỷ XVII.

Lễ Hội Chùa Thầy – Nét đẹp văn hóa Xứ Đoài
Cầu Nhật Tiên, Nguyệt Tiên

Chùa Hạ (Tiền Đường)

Dài 20m, rộng 5m, cao 5,2m gồm 3 gian 2 chái, dựng trên nền cao khoảng 1m so với sân chùa. Kết cấu bộ vì có 4 hàng chân cột, bộ vì nóc giá chiêng – kẻ suốt, mái lợp ngói mũi hài, bốn đầu đao cong vươn lên. Trang trí trên bộ mái có makara, lân, rồng, hai đầu hồi làm kiểu vỉ ruồi, trổ thủng hình mặt trời, hoa cúc, vấn xoắn tròn xen lẫn với mây cụm hình đao mác, hệ thống cửa kiểu bức bàn, ở ván nong, ván lá gió trang trí tia lửa, lá đề…

Lễ Hội Chùa Thầy – Nét đẹp văn hóa Xứ Đoài
Chùa Hạ (Tiền Đường)

Chùa Trung (Thượng Điện)

Gồm 3 gian 2 chái, dài 20m, rộng 9,5m và cao 5,5m, nền cao hơn nền tiền đường 0,5m. Thượng điện có khám thờ bên trong. Kết cấu bộ vì kiểu chồng rường – giá chiêng và giá chiêng kẻ suốt. Mái lợp ngói mũi hài, với kết cấu tàu đao – lá mái với các góc đầu đao uốn cong. Thượng điện có kết cấu khá thông thoáng nhờ vào hệ thống cửa bức bàn gỗ bao hai bên hồi và phía sau.

Lễ Hội Chùa Thầy – Nét đẹp văn hóa Xứ Đoài
Chùa Trung (Thượng Điện)

Chùa Thượng (Điện Thánh)

Cao hơn điện Phật 0,95m, gồm 1 gian 2 chái lớn, dài 14,7m, rộng 11,7m và cao 6m. Bộ khung gồm 4 cột cái, 16 cột quân. Trong 4 cột cái có 1 cột gỗ ngọc am và một cột gỗ chò vẩy có chu vi 1,8m. Vì nóc kiểu chồng rường con nhị – giá chiêng”. Trang trí hoa văn bên trong điện Thánh rất ít. Bên ngoài, ở cả 3 mặt ván gỗ bưng được chạm trổ khá cầu kỳ các đề tài rồng, lân, phượng, hoa lá, vân mây và những đường cánh sen chạm lộng nhiều lớp. Phía sau, từ cửa hậu xuống là hệ thống bậc đá (có đôi sấu đá đầu nghê, mình sóc mang đậm phong cách điêu khắc thời Trần).

Lễ Hội Chùa Thầy – Nét đẹp văn hóa Xứ Đoài
Chùa Thượng (Điện Thánh)

Chợ Trời

Leo lên đỉnh núi, ta thấy một khoảnh đất bằng phẳng, xung quanh có nhiều mô đá trầu vào đó là “Chợ trời”:

“Buổi sớm mưa tan, trưa nắng giãi
Ban chiều mây họp tối trăng chơi
Bày hàng hoa quả tư mùa đủ
Giãi thẻ giang sơn bốn mặt ngồi”

Chùa Cao (Đỉnh Sơn Tự)

Nối với chùa Cả qua cầu Nguyệt Tiên, tọa ở lưng chừng núi, còn gọi là Am Hiển Thuỵ với hang Thánh hoá là nơi Từ Đạo Hạnh giải thi (trút xác) để đầu thai làm con của Sùng Hiền Hầu, sau trở thành vua Lý Thân Tông. Chùa Cao có quy mô kiến trúc nhỏ với các công trình kiến trúc: gác chuông, chùa chính (tiền đường, thượng điện) và các công trình phụ trợ.

Lễ Hội Chùa Thầy – Nét đẹp văn hóa Xứ Đoài
Chùa Cao (Đỉnh Sơn Tự)

Hang Thánh Hóa

Hang Thánh Hóa là một động nhỏ hẹp, lờ mờ vẻ huyền bí, nhìn kỹ vào vách hang ta thấy những vệt lõm ở vách đá, đó là vết đầu, vết chân và vết tay mà Thiền sư tì vào lúc trút xác.

Lễ Hội Chùa Thầy – Nét đẹp văn hóa Xứ Đoài
Hang Thánh Hóa

Hang Cắc Cớ

Theo đường mòn Chùa Cao, đi vòng ra phía sau, qua lối rẽ tới Hang Cắc Cớ. Hang sâu và tối phải níu nhau mà đi. Tương truyền, nơi đây là nơi tuẫn tiết của nghĩa quân họ Lã, sau trận chống ngoại xâm thất bại.

Không chỉ cuốn hút du khách đối với những kiến trúc độc đáo của ngôi chùa cổ mà đến thăm khu di tích lịch sử Chùa Thầy không thể không lên thăm núi Thầy nơi có phong cảnh hữu tình đặc biệt là Hang Cắc Cớ, tương truyền nơi đây rất linh thiêng thu hút nhiều nam thanh nữ tú đến cầu duyên.

Lên tới đỉnh núi Thầy đứng tại đây non nước sơn thủy hữu tình của quần thể di tích sẽ được thu gọn vào trong tầm mắt. Không những thế nơi đây còn có Hang Cắc Cớ xưa kia là điểm hẹn hò của nhiều nam thanh nữ tú địa phương.

Lễ Hội Chùa Thầy – Nét đẹp văn hóa Xứ Đoài
Hang Cắc Cớ

“Gái chưa chồng nhớ Hang Cắc Cớ

Trai chưa vợ nhớ hội Chùa Thầy”

Cứ đến vào mùa lễ hội Chùa Thầy thì gái chưa chồng trai chưa vợ rất háo hức vào hang này, có những sự vô tình, hữu ý lại thành duyên cho nên tương truyền đến để cầu duyên.

Đền Thượng (Đền Văn Xương)

Nằm ở bên phía kia sườn núi, bên trên chùa Bối Am, được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII – XVIII thờ Văn Xương Đế Quân, Tản Viên Sơn Thánh, Từ Đạo Hạnh. Đền có 3 gian 2 chái, với bốn lá mái các góc đao cong, bộ khung vì gỗ bốn hàng chân, hệ cửa bức bàn. Xưa kia, các sĩ tử thời phong kiến thường đến đây ăn ngủ (ăn chay, cầu đảo) với mong muốn xin đỗ đạt và đây cũng từng là nơi hội họp của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục.

Lễ Hội Chùa Thầy – Nét đẹp văn hóa Xứ Đoài
Đền Thượng (Đền Văn Xương)

Chùa Một Mái (Bối Am Tự)

Nằm dưới chân núi, có cửa sau để đi lên núi gồm Tiền đường và Thượng điện, gác Chuông và Nhà lưu niệm Bác Hồ (nguyên là nhà tổ chùa Bối Am). Tại đây, Bác Hồ đã ở và làm việc từ ngày 3 tháng 2 đến 2 tháng 3 năm 1947.

Đây là nơi để chỉ huy lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Thực Dân Pháp của nhân dân ta, nơi đây còn lưu giữ lại những kỷ vật của Người và lưu giữ những buổi làm việc mà nhân dân xã Sài Sơn được phục vụ Bác.

Lễ Hội Chùa Thầy – Nét đẹp văn hóa Xứ Đoài
Chùa Một Mái (Bối Am Tự)

Chùa Long Đẩu

Nằm dưới chân Long Đẩu Sơn – núi hình rồng (tiền án của chùa Thầy) ngay bên hồ Long Trì. Chùa được khởi dựng vào cuối thế kỷ XI và được trùng tu lớn vào thời Trần, niên hiệu Hưng Long thứ 2 (1294). Năm Chính Hoà thứ 21(1708), chúa Trịnh Cương cùng Cung Tần Ngọc Lãnh đã bỏ tiền vàng cúng tam bảo, xây thêm nhà Tổ, hành lang, hậu điện, tam quan.

Lễ Hội Chùa Thầy – Nét đẹp văn hóa Xứ Đoài
Chùa Long Đẩu

Chùa Sài Khê (Hoa Phát Tự)

Tọa lạc dưới chân núi Hoa Sơn, cũng là ngôi chùa được khởi dựng khá sớm, đã qua nhiều lần trùng tu tôn tạo, đến thế kỷ XVII đã có quy mô và hệ thống tượng khá phong phú đầy đủ… Hiện nay, Chùa có các hạng mục: tam quan, gác chuông, chùa chính, nhà Tổ/Mẫu. Chùa Sài Khê có 51 pho tượng tròn cùng toà Cửu Long, có nhiều pho đẹp như Đại Thế Chí Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát…

Lễ hội ở Chùa Thầy

Từ xa xưa lễ hội Chùa Thầy đã được biết đến là một trong những mảnh đất nổi tiếng của Xứ Đoài. Hàng năm có hàng vạn du khách từ khắp nơi trên cả nước về Chùa Thầy trẩy hội, lễ hội Chùa Thầy được tổ chức thành mùa lễ hội kéo dài từ mồng 1 tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch.

Lễ Hội Chùa Thầy – Nét đẹp văn hóa Xứ Đoài
Nghi lễ và các diễn xướng dân gian

Khách thập phương dồn về chùa Thầy với nhiều mục đích: Người đi hội để du ngoạn cảnh xuân kỳ sơn thuỷ tú; người đến cầu xin lộc nhà Thánh tiền tài danh vọng và trai thanh gái lịch đến hội để mong tìm được “nửa kia” của mình…

“Hội chùa Thầy có hang Cắc Cớ
Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy
Gái chưa chồng nhớ ngày mà đi…”.

Ngay từ nhiều ngày trước hội dân các làng trong xã Sài Sơn đã nhộn nhịp chuẩn bị cho ngày hội. Lễ hội chùa Thầy, như nhiều ngôi chùa lớn khác, bao gồm hai phần: Nghi lễ và các diễn xướng dân gian. Các nghi lễ chính hiện còn lưu giữ là: Nghi lễ mộc dục, lễ phục nghinh bài vị – lễ cúng yên vị; Lễ tế và lễ rước. Các diễn xướng, trò chơi dân gian gồm: Đấu vật, múa rối nước và hội leo núi chơi xuân.

Lễ Hội Chùa Thầy – Nét đẹp văn hóa Xứ Đoài
Chùa Thầy trẩy hội

Nghi lễ Mộc dục

Nghi lễ đầu tiên và quan trọng nhất tại Chùa Thầy là nghi Lễ Tắm Thánh Mục Dục, lúc này khám thờ Đức Thánh Tổ Thiền Sư Từ Đạo Hạnh mới được mở ra để nhân dân tắm rửa thay áo cho Ngài. Đây là một nghi lễ đặc biệt quan trọng, những người tham gia nghi thức này nằm trong ban Mục Dục gồm các vị sư và các bậc cao niên trong làng.

Sau lễ Mục Dục là lễ rước bài vị Đức Thánh Từ Đạo Hạnh từ Điện Thánh xuống Chùa Chung, những đoàn kiệu được rước đi từ hàng ngàn người nối dài rước qua từng xã trong thôn thuộc vùng Chùa Thầy. Các thôn tại đây sẽ có những kiệu riêng, kiệu sẽ được rước đến sân Chùa, sau khi dâng lễ vật lên để cúng thánh và sau đó lại rước trở về các đình làng. Hình thức rước kiệu cũng được chuẩn bị khá kỹ lưỡng khi lựa chọn những người tham gia rước kiệu, phụ trách khiêng kiệu phải là những chàng trai khỏe mạnh nghiêm chỉnh trong thôn làng.

Lễ Hội Chùa Thầy – Nét đẹp văn hóa Xứ Đoài
Đức Thánh Tổ Thiền Sư Từ Đạo Hạnh

Lễ phụng nghinh bài vị và cúng An vị

Sau lễ Mộc Dục là lễ rước bài vị Đức Thánh Từ Đạo Hạnh từ toà điện Thánh xuống toà chùa Trung để đức Thánh “Chứng kiến tận mắt” các nghi lễ rước, cúng cùng các trò diễn trong sân chùa ba ngày hội. Lễ rước được diễn ra nhanh chóng trang trọng. Sau khi chủ tế xin phép chiếc ngai thờ trong có bài vị bằng gỗ đức thánh Từ được khiêng lên cẩn thận. Dọc hai bên lối đi từ điện Thánh xuống chùa Trung là hai hàng vãi già đeo tràng hạt, cầm phướn, lần lượt xếp hàng đổ xuống theo ngai. Tiếp theo là cờ ngũ phương trong tiếng trống tiêu khẩu rộn rã thúc dục. Tổng cờ đi đầu như người chỉ huy để đám rước có trật tự, ăn nhịp rước ngai thờ, bài vị yên ổn xuống đến toà chùa Trung.

“Những bước múa lượn vòng tròn, bước nhanh, bước chậm thể hiện một chuyến đi không ngừng của kiếp người để vươn tới điều cao đẹp, vừa múa, vừa hát kinh, như trong một giấc mơ”.

Nghi lễ là một diễn xướng có tính chất tôn giáo, phối hợp với các nhạc cụ trong một không gian trang trọng linh thiêng. Lúc này mọi lễ vật chính đã được dân các làng và khách thập phương dâng lên các ban thờ gồm hoa, quả, oản, xôi, chuối, bánh trái…

Lễ Hội Chùa Thầy – Nét đẹp văn hóa Xứ Đoài
Rước kiệu

Lễ tế và lễ rước

Tương truyền ngày 7 tháng 3 là ngày hoá của Thiền sư Từ Đạo Hạnh nên được người dân lấy ngày lễ đó là ngày lễ chính (đại tế). Trong ngày này có mặt đầy đủ 4 thôn Đa Phúc, Thuỵ Khuê, Sài Khê và Khánh Tân với 4 cỗ kiệu đặt bài vị thành hoàng làng cùng lễ vật của 4 làng đến yết kiến Đức thánh Từ.

Sau khi làm lễ cúng, đám rước bắt đầu xuất phát từ chùa Thầy ra gò Thiên (gò Quán Thánh) – Tương truyền là địa điểm quân Minh đốt xác Từ Đạo Hạnh.

Trò diễn dân gian

Trong các ngày lễ hội, đồng thời với các nghi thức diễn ra trong chùa thì tại toà thuỷ đình và bãi cỏ rộng trước chùa lại diễn ra rất nhiều trò diễn như đấu vật, đá cầu nhưng đặc biệt là múa rối nước cùng thú chơi cuốn hút nam thanh nữ tú là leo núi, ngắm cảnh và vào hang Cắc Cớ.

Lễ Hội Chùa Thầy – Nét đẹp văn hóa Xứ Đoài
Lễ Hội Chùa Thầy

Trong đó, chính hội rơi vào các ngày từ mồng 5 đến mồng 7 tháng 3 âm lịch khách tham quan đến với lễ hội Chùa Thầy không chỉ được thượng lãm kiến trúc cổ kính của một trong những trung tâm Phật giáo cổ và lớn nhất khu vực phía Bắc cũng như các nghi thức tôn giáo linh thiêng mà còn được hòa mình vào không khí tưng bừng của các làn điệu dân ca chèo cổ, các trò chơi và đặc biệt được thưởng thức loại hình sân khấu dân gian múa rối nước Việt Nam đặc sắc ngay trước Thủy Đình như trâu thổi sáo, đi cày hay mùa rồng...

Những con rối cổ vẫn còn nguyên mang trong mỗi con rối là tâm đức của người thầy lớn cũng là Pháp Tổ của nghề múa rối nước ở Việt Nam. Ngoài ra du khách thập phương tìm đến với lễ hội Chùa Thầy còn để thỏa mãn tính mạo hiểm khi leo núi và thưởng ngoạn cảnh trí thiên nhiên của Xứ Đoài, tất cả đều chung niềm vui, niềm hứng khởi hòa vào không khí tưng bừng của mùa lễ hội.

Lễ Hội Chùa Thầy – Nét đẹp văn hóa Xứ Đoài
Múa rối nước

Huyền tích kể rằng Đức Thánh là người đã dạy cho dân làng Ra (làng Phú Đa, nay là Phú Hoà, xã Bình Phú, huyện Thạch Thất) biết nghề múa rối. Lo việc giữ gìn nghề rối và việc cúng giỗ mình sau này, Thánh đã để cho dân làng Ra 3 mẫu ruộng hậu. Vì thế hàng năm vào dịp hội Thầy, chỉ phường rối làng Ra mới được biểu diễn chầu Thánh ở nhà Thuỷ Đình trên hồ Long Trì kéo dài từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 3. Phường rối dâng cúng lễ vật và biểu diễn để tỏ lòng tôn kính người sáng lập nghề.

Những cảnh sống thanh bình, những sinh hoạt đời thường của người dân vùng đồng bằng Bắc bộ như câu cá, úp nơm, đi cày, cấy, rồng phun nước hoặc rước kiệu, trèo thang… đều được thể hiện sinh động qua sự điểu khiển tài tình điêu luyện của các nghệ nhân dân gian. Không khí xung quanh hồ vào ngày diễn trò hết sức sôi động, ai nấy đều đi sớm để giành được một chỗ ngồi lý tưởng cho việc theo dõi. Tiếng trống kèn rộn rã hòa cùng không khí xuân tưng bừng tạo nên một bầu không gian tươi vui và cuốn hút.

Lễ Hội Chùa Thầy – Nét đẹp văn hóa Xứ Đoài
Không gian thanh tịnh, yên bình

Buổi lễ rước kiệu gồm 4 kiệu của 4 thôn thuộc xã Sài Sơn, đây là phần lễ được người dân địa phương xem là quan trọng và cốt yếu nhất. Vì vậy việc rước kiệu cũng trở nên sang trọng và cầu kỳ hơn, khoảng thời gian này nam thanh nữ tú, du khách thập phương nô nức về đây trẩy hội. Các phần nghi lễ rước, thờ cúng và các trò chơi sẽ diễn trải đều trong vòng 3 ngày lễ.

Trên đây là những thông tin quan trọng về kinh nghiệm du lịch chùa Thầy đường đi, xe bus hi vọng bạn đã có thêm sự lựa chọn cho chuyến đi sắp tới của mình. Một nơi thanh tịnh, yên bình, không gian khoáng đạt, trong lành chắc chắn sẽ giúp bạn trút hết ưu phiền để quay về với cuộc sống hiện tại.

Ngày nay, chùa Thầy là nơi diễn ra các lễ hội văn hóa vào dịp đầu năm mới, các lễ hội này chủ yếu là lễ hội truyền thống mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bạn đừng quên ghé thăm và tham gia những lễ hội vô cùng đặc biệt nhé!

Lễ Hội Chùa Thầy – Nét đẹp văn hóa Xứ Đoài

Anh/Chị muốn làm đại lý online, cộng tác viên online (Kinh doanh online không cần vốn)

Đăng ký qua link: https://aff.thuonghieuvietnoitieng.com/admin/register

Hoặc liên hệ hotline : 0983837488,0912888586 để được hỗ trợ trực tiếp !