Di tích danh thắng Yên Tử - Tiên cảnh trần gian
Vinacel - Sàn Giao Dịch TMĐT Kết Nối Trực Tiếp Nhà Cung Cấp Đến Người Tiêu Dùng | Cam kết bán hàng chính hãng, đúng giá, đúng chất lượng, giao hàng nhanh, đổi trả tại chỗ
CẨM NANG DU LỊCH

Di tích danh thắng Yên Tử - Tiên cảnh trần gian

Di tích danh thắng Yên Tử - Tiên cảnh trần gian

Cứ vào ngày mồng 10 tháng giêng Tết Nguyên Đán hàng năm Hội Xuân Yên Tử được mở mỗi năm mỗi vẻ từ con người cảnh sắc nghi lễ nơi đây ngày càng hấp dẫn sôi động hơn. Bởi mỗi năm qua đi đất nước ngày một đổi thay ngày càng giàu mạnh hơn và những ai đã tới nơi đây không chỉ được thưởng thức không khí lễ hội mà trong tâm thức luôn được khai mở một điều: “Trăm năm trăm coi tu hành, chưa đi Yên Tử chưa thành quả tu”.

Di tích danh thắng Yên Tử - Tiên cảnh trần gian
Di tích danh thắng Yên Tử 

Yên Tử là Danh Sơn là đất Phật hấp dẫn du khách, Danh Sơn Yên Tử nằm ở thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh cách Hà Nội hơn 130km về phía Đông giữa mênh mông trùng điệp của núi rừng Đông Bắc. Dãy Yên Tử kéo dài từ Đông Triều đến Uông Bí, đỉnh Yên Tử có độ cao 1068m như Vọng Gác Tiền Tiêu phía Đông của Tổ Quốc.

Qua các Triều Đại núi rừng Yên Tử được liệt vào Danh Sơn với sự xuất hiện của Thiền Phái Trúc Lâm cùng các hệ thống Am, Tháp, Chùa Chiền cổ kính rêu phong, điều đó càng tạo nên nét quyến rũ với du khách bốn phương, nhất là dịp xuân về khi núi rừng nảy lộc đơm hoa.

Từ xa xưa Yên Tử được gọi là núi voi, bởi hình dáng núi giống con voi, theo sử Yên Tử còn có tên là Bạch Sơn, núi mây trắng, bởi quanh năm núi chìm trong mây trắng “Lối đi có trúc, khe suối có hoa”. Vào thời Trần đạo sĩ An Kỳ Sinh đến đây luyện thuốc tu hành, dựng chùa đặt tên là Yên Tự nghĩa là Chùa, sau gọi chệch đi gọi là Yên Tử.

Di tích danh thắng Yên Tử - Tiên cảnh trần gian

Quần thể di tích danh thắng Yên Tử

Quần thể Di tích và danh thắng Yên Tử có tọa độ trung tâm từ 21005’ đến 21009’ vĩ độ Bắc và 106043’ đến 106045’ kinh độ Đông, phân bố ở địa bàn 03 tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương. Nhìn tổng thể, khu di sản đề cử nằm trong vùng núi cao Yên Tử, thuộc cánh cung Đông Triều với độ cao trung bình trên 600m, đỉnh cao nhất là ngọn núi Yên Tử có độ cao 1.068m so với mực nước biển. Cánh cung Đông Triều được xem là “phên dậu” phía Đông Bắc của Việt Nam. Vùng núi này không chỉ là một thắng cảnh thiên nhiên, nơi bảo tồn nhiều giống loài động, thực vật mà còn là quê hương của Vương triều nhà Trần trong lịch sử, là “Đất tổ Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam”.

Di tích danh thắng Yên Tử - Tiên cảnh trần gian
Quần thể di tích thắng cảnh Yên Tử - Quảng Ninh

Được biết, Vua Trần Thái Tông đã tới nơi đây mong muốn được rũ bỏ bụi trần, Phù Vân Quốc Sư tu ở Yên Tử đã khuyên: “Núi vốn đã không có Phật, Phật ở trong tâm, tâm lặng lẽ mà biết ấy là Chân Phật”. Người khơi xướng triết lý tâm phật là Phù Vân Pháp Sư, Trần Nhân Tông đã phát triển ra triết lý Phật ở trong tâm thành Thiền Phái Trúc Lâm, Quốc Đạo của Việt Nam.

Cho tới hôm nay ai đã từng đặt chân tới nơi đây không chỉ cảm nhận được hết cái đẹp, sâu xa tư tưởng triết lý tâm là Phật, tâm ngộ đạo, ấy là Chân Phật, lúc là Vua, là Bụt, nhưng luôn đặt lợi ích Vương Triều lên trên hết. Tư tưởng của Trần Nhân Tông đã hóa thành gió, núi, mây ngàn, nâng bước chân và giác ngộ tâm linh mỗi người hành hương tới nơi đây.

Đặc biệt, từ thời Trần (1226 - 1400), Yên Tử đã được đầu tư xây dựng thành khu Quần thể kiến trúc chùa, tháp có quy mô to lớn. Khởi đầu là Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông) đến Yên Tử tháng 4 năm Bính Thân (1236). Sau đó, Trần Nhân Tông (Trần Khâm) - vị vua của hai cuộc kháng chiến đại thắng quân Nguyên - Mông vào năm 1285 và 1288. Nhưng vào lúc triều đại nhà Trần đang hưng thịnh, Trần Nhân Tông đã nhường ngôi cho con để chuyên tâm nghiên cứu đạo Phật và tìm đến Yên Tử tu hành.

Di tích danh thắng Yên Tử - Tiên cảnh trần gian
Yên Tử - Tiên cảnh trần gian

Năm 1299, Trần Nhân Tông đã chính thức thành lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử bằng cả một hệ thống lý thuyết và hành động gắn đạo với đời. Ông được coi là vị Sư Tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang Phật danh Điều Ngự Giác Hoàng. Kế tục sự nghiệp của ông là Sư Tổ Pháp Loa và Huyền Quang Tôn Giả. Cả ba vị được gọi là Trúc Lâm Tam Tổ. Từ đó, Yên Tử trở thành kinh đô tư tưởng của Phật phái Trúc Lâm, đánh dấu sự phát triển triết học và tư tưởng của dân tộc Việt Nam trong các thế kỷ 13 và 14. Gắn liền với lịch sử phát triển dòng thiền Trúc Lâm tại Yên Tử là việc xây dựng và hình thành một quần thể các công trình kiến trúc gồm nhiều chùa và hàng trăm am, tháp, mộ, bia, tượng. Quần thể kiến trúc này được đặt trong một tổng thể cảnh quan hùng vĩ, trải dài hàng chục km tạo thành Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử.

Đây là nơi hội tụ của các công trình kiến trúc cổ kính do các Tăng, Ni, Phật tử và triều đình phong kiến của các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn kế tiếp nhau xây dựng, tu bổ và tôn tạo. Những công trình này đã phản ánh khá rõ nét sự phát triển của kiến trúc, mỹ thuật, điêu khắc, tiêu biểu cho tài năng sáng tạo nghệ thuật của dân tộc Việt Nam. Đây là một quần thể di tích rất lớn và ra đời sớm ở Việt Nam.

Di tích danh thắng Yên Tử - Tiên cảnh trần gian
Yên Tử - Đất tổ Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử Chính phủ Việt Nam đã nhận diện, xếp hạng hàng loạt các di tích, danh lam thắng cảnh trong khu di sản ở cấp tỉnh, cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt, với đầy đủ bốn loại hình di tích, danh lam thắng cảnh, bao gồm: Các di tích lịch sử; các di tích kiến trúc - nghệ thuật; các di tích khảo cổ; các địa điểm danh lam thắng cảnh.

Dưới đây là những chia sẻ về kinh nghiệm đi du lịch Quảng Ninh, Yên Tử, hy vọng sẽ cung cấp cho bạn thông tin hữu ích và có sự chuẩn bị thật tốt cho chuyến hành trình của mình. 

Tham quan gì ở Yên Tử

Hệ thống chùa Tháp của Yên Tử tập trung trên sườn phía Nam của Núi Voi và được giới hạn bởi 2 con suối tạo nên Thác Vàng phía Tây và Thác Bạc phía Đông. Hai con suối nước chảy mạnh ở độ cao 700m đẩy từ 2 hướng hợp nhau lại Thành suối Giải Oan với đường Tùng Cổ Thụ, rừng Trúc, Am, Tháp, Thác nước, phong cảnh núi rừng hòa quyện vào nhau thật mơ mộng.

Theo quan điểm của đạo Phật hành trình leo núi của Yên Tử đi theo kiến trúc phân bổ: Giải Oan – Vân Yên – Vân Tiêu – Bia Phật – Trần Gian – Lưng Trời – Cung Trời – Ngoài Trời.

Chùa đầu tiên chúng ta không cần phải leo núi, chùa nằm cạnh quốc lộ 18 nằm ở phía Nam nơi tổ chức nhiều sinh hoạt tôn giáo của dân địa phương mà ta gặp là:

Di tích danh thắng Yên Tử - Tiên cảnh trần gian
Chùa Trình Yên Tử

Chùa Trình/ đền Trình

Chùa cũ đã hư hỏng, chùa hiện đang xây lại có quy mô hơn, có Tam Quan, chùa trước, chùa sau, hai dãy tượng Phật chạy dọc 2 bên, phía sau chùa là Tam Tổ Trúc Lâm. Đây là nơi trình báo để lên Yên Tử.

Theo con đường mới hoàn thành năm 2008 chúng ta đi vào đất Phật, con đường cổ men theo đường đá Bạc nay đã đổi thay hoàn toàn. Hôm nay với phương tiện cơ giới đi khoảng chừng hơn 10km chúng ta sẽ gặp chùa tiếp theo.

Chùa Suối Tắm

Di tích danh thắng Yên Tử - Tiên cảnh trần gian
Chùa Suối Tắm

Chùa thấp hơn đường ô tô nằm ngay ở ven suối, tương truyền nơi đây Vua Trần Nhân Tông thường tắm gội tẩy trần trước khi lên Yên Tử. Đi tiếp một đoạn đường nữa từ xa chúng ta đã thấy những bậc đá dài dẫn đến Tam Quan đó là chùa:

Chùa Cầm Thực

Chùa có tên Cầm Thực có nghĩa là không ăn, ở chùa này Vua Trần đã bố thí cơm chay cho dân chúng không còn gì ăn chỉ uống nước cầm hơi, nhưng một lòng vẫn vượt đèo leo dốc đến với Yên Tử.

Di tích danh thắng Yên Tử - Tiên cảnh trần gian
Chùa Cầm Thực

Cách Chùa Cầm Thực 4km một vùng ngói đỏ ẩn hiện dưới thông già trước mắt chúng ta hiện ra một Tam Quan đó là chùa:

Chùa Lân

Chùa nằm trên một quả đồi giống hình con Lân nằm Phủ Phục, có lẽ tên Chùa cũng bắt nguồn từ đó. Dấu vết Chùa xưa không còn chùa mới được xây dựng lại cách đây vài năm, chùa còn có tên gọi khác hiện nay gọi là Thiền Viện Trúc Lâm, tương truyền xưa kia Vua Trần Nhân Tông nằm mơ cưỡi Rồng bay vào động đẹp rồi được đặt lên tòa Sen Vàng nên Chùa còn có tên gọi khác là Chùa Long Động.

Với hệ thống kiến trúc hiện nay Chùa có 3 cấp nằm dọc Chùa, phía sau thờ Tam Tổ Trúc Lâm hai bên có Lầu Chuông, Lầu Chống, Chùa hiện nay là nơi tu hành của Tăng Ni Phật Tử, quanh Chùa còn có hơn 20 Tháp xây bằng gạch và bằng đá. Đây là những Tháp thờ những nhà tu hành đã gắn bó cuộc đời nơi đây, Tháp có niên đại gần nhất là thế kỷ thứ 17.

Di tích danh thắng Yên Tử - Tiên cảnh trần gian
Chùa Lân

Đi tiếp vào chân núi vượt qua con suối trên cây cầu đá chạm Rồng dọc theo các trụ đỡ dẫn lên Chùa, ở độ cao 50m ta gặp Chùa Giải Oan:

Chùa Giải Oan

Chùa có tên trùng với con suối Giải Oan nằm phía trước, sử cũ chép rằng năm 1299 khi Vua Trần Nhân Tông chính thức lên Yên Tử tu hành, hàng trăm cung tần lặn lộn đi theo để can ngăn nhưng cũng không thuyết phục được nhà Vua, họ đã chầm mình xuống suối Hồ Khê, một số Cung Phi bị chất đuối, để giải oan cho linh hồn các cung nữ nhà Vua đã cho xây Chùa để giải oan cho linh hồn họ, số còn lại cho ra lập thành làng Nương, làng Mộ tức xã Thượng Yên Công ngày nay “Giải hết tấm lòng oan theo với Chúa, Oan theo dòng nước sạch cùng Vua”.

Nơi đây có cây cầu dài 10m, có kiến trúc không cầu kỳ nhưng toát lên vẻ cổ kính. Đây là nơi vua Trần Nhân Tông cho xây dựng để giải oan cho những cung tần, mỹ nữ đã vì mình mà chết. Vì quá yêu vua, muốn lên núi cầu xin vua trở lại triều đình không được, các bà đằm mình xuống suối tự vẫn. 
Trước sân chùa sum suê từng khóm loa kèn màu hoàng yến chen lẫn màu trắng mịn, xung quanh chùa có 6 ngọn tháp, lớn nhất là tháp mộ vua Trần Nhân Tông, hai bên là tháp mộ sư Pháp Loa và sư Huyền Quang. 

Di tích danh thắng Yên Tử - Tiên cảnh trần gian
Chùa Giải Oan

Chùa Giải Oan, còn gọi là chùa Hạ, một trong ba ngôi chùa chính trên núi Yên Tử (chùa Trung là chùa Hoa Yên; chùa Thượng là chùa Đồng). Chùa Giải Oan là ngôi chùa đầu tiên trong hành trình chinh phục Yên Tử, có cấu trúc hình chữ “Đinh”, bao gồm 5 gian và hậu cung. 

Tiếp tục hành hương theo con đường mòn mà lối đi hằn dấu chân người theo thời gian, lối đi giữa hai hàng Tùng cổ thụ, tuổi đời hơn 700 năm ta như cảm nhận được linh khí của đất trời hòa trong hơi thở, trải qua thời gian Chùa chiền, Am, Tháp nhiều nơi không còn không còn dấu vết, nhưng hàng Tùng già vẫn khỏe khoắn hiên ngang vươn thẳng lên trời cao xanh ngát 4 mùa. Đến hôm nay hành hương dưới đường Tùng bóng vẫn mềm mại tỏa bóng mát, rễ Tùng như hóa đá lát đường nâng bước chân người qua đây. Trên mỗi rễ Tùng không biết đã có biết bao nhiêu bước chân người hành hương suốt 700 năm qua.

Ở Yên Tử hiện nay còn 270 cây Tùng gồm Thanh Tùng, Thủy Tùng và Xích Tùng loại Tùng có vân đỏ như máu là Xích Tùng, rừng Tùng Yên Tử có tuổi trên 700 năm đây là báu vật của ông cha ta và thiên nhiên ban tặng chúng ta, hương thơm thanh khiết tỏa ngát con đường du khách qua đây mà cũng chỉ có ở loại Tùng nơi đây.

TVC giới thiệu Di tích danh thắng Yên Tử

Cạnh đường Tùng ở độ cao 400m có Hòn Ngọc, tương truyền núi Hạ Kiệu, nơi đây Vua quan dừng kiệu đi bộ lên Hoa Hiên bái kiến Trần Nhân Tông, trên mặt đất bằng hẹp còn hơn chục ngọn Tháp lớn nhỏ thời Hậu Lê vươn Tháp lặng lẽ như các Phật Tử thời còn sống hướng về cõi Phật.

Tháp Huệ Quang

Vượt qua những bậc đá lên tới độ cao 700m gần chân núi là khu Tháp Tổ đồ sộ. Tháp Tổ còn còn là Huệ Quang Kim Tháp, Tháp cao 10m nằm trong khuôn viên khu đất bán Nguyệt, có tường cao hơn 2m vây quanh, Tháp có 6 tầng, đáy có diện tích 2m15x3m15 được ghép bằng 46 tảng đá chạm khắc hoa văn sóng nước theo phong cách thời Trần, bệ Tháp hình Đài Sen có 102 cánh đỡ toàn bộ Tháp, chính giữa có pho tượng đá tạc Trần Nhân Tông cao 0,62m. Tượng được trang trí hoa văn trên vạt áo mềm mại tinh xảo, khuôn mặt bình thản, đây là pho tượng còn nguyên vẹn của Trần Nhân Tông thời Lê Xơ còn tới nay. Viết về Tháp Huệ Quang nhà thờ Hoàng Quang Thuận đã xúc cảm:

“Voi quỳ lên vườn Tháp Huệ Quang

Phủ phục ngàn xưa dải đất vàng

Giữa vườn Tháp Tổ nằm trong nắng

Tường sau hóa sứ nép mơ màng”

Di tích danh thắng Yên Tử - Tiên cảnh trần gian
Tháp Huệ Quang

Phía sau Tháp Huệ Quang có 2 cây đại cổ thụ theo thời gian gốc đại vươn cao tựa lưng vào từng bao, cành đại xòe quanh như ôm lấy Tháp Tổ, xung quanh Tháp Tổ là vườn Tháp có 97 ngọn Tháp với quy mô dáng vẻ khác nhau nhưng nét chung đều lên màu thời gian và cùng minh chứng cho một đội ngũ tu hành đông đảo đã gắn bó với Yên Tử trọn đời.

Từ cửa Bắc Tháp Huệ Quang đi qua một thảm đỏ được ghép bằng 84 viên gạch có hoa văn phong cách Thời Trần, chứng kiến dòng hành hương qua đây còn có 2 hàng Tháp đứng hai bên như hàng quân danh dự đón chào du khách 4 phương.

Hai cây đại có tuổi trên 700 năm chặn ở cuối dốc đá ngược, cây đại đứng đó mà đã 700 năm qua, mỗi ai qua nơi đây đều nhìn thấy bởi dáng vóc vươn cao trên đỉnh dốc đón chào khách hành hương.

Đi qua Vọng Gác bởi cây địa cổ thụ hai bên là chùa:

Chùa Hoa Yên

Hay gọi là chùa Cả, chùa Phù Vân. Nằm ở độ cao 543m, với nhiều hàng cây tùng cổ xưa, được trồng từ lúc vua Nhân Tông lên tu hành Yên Tử. 

Di tích danh thắng Yên Tử - Tiên cảnh trần gian
Chùa Hoa Yên

Chùa Một Mái

Chùa trước đây có tên là Vân Yên tới thời Lê khi Vua Lê Thánh Tông lên đây ngắm cảnh, trước cảnh sắc thơ mộng Vua đã đổi tên thành Chùa Hoa Yên, đây cũng là ngôi Chùa có quy mô lớn và đẹp nhất trong hệ thống Chùa ở Yên Tử không kể Chùa Lân mới dựng lại, Chùa mới được xây dựng nhưng năm gần đây nhưng vẫn mang phong cách kiến trúc thời Trần, Lê đáng chú ý là các tượng trong Chùa đều được đúc bằng đồng nguyên khối, bên ngoài cửa Chùa có bia đá tác hai con vật ngộ nghĩnh rêu phong, phía sau là bia đá lớn chạm khắc Ma Ni Cô có khuôn mặt tròn, hiền hậu dấu vết thời Lê Xơ.

Ngôi chùa này có kiến trúc gồm ba gian, tương ứng với ba bàn thờ, gồm bàn thờ Tổ, bàn thờ Tam Bảo, bàn thờ hậu phía trong cùng thấp hơn hai ban ngoài. Ở đây lưu giữ huyền thoại về “Dòng sữa” và “Đụn gạo”. 
Trước phong cảnh hữu tình của Chùa Tháp nơi đây đã có nhiều thi nhân khi tới đây tức cảnh viết thơ tặng:

“Hai mù xuân hạ Đại nở hoa

Óng ánh hơi sương trắng cánh ngà

Hoa sung sân Chùa hương thơm ngát

Gót vàng ai dạo giữa nền hoa”

Di tích danh thắng Yên Tử - Tiên cảnh trần gian
Chùa Một Mái

Phía sau Chùa Hoa Yên là Chùa Một Mái, người xưa đã biết lợi dụng vách đá làm mái khi dựng Chùa, Chùa còn lưu giữ nhiều tượng đá thời thời Lê, trong Chùa có đụn gạo, giếng nước nhỏ quanh năm tràn đầy, khách hành hương thường lấy nước nơi đây uống cầu may.

Theo con đường nhỏ dưới bóng Tùng cổ thụ tiếp tục xuôi xuống men theo vách đá dựng đứng hoang sơ cách Chùa Hoa Yên gần 400m ta gặp Thác Ngự Dội, Thác Vua Tắm, tiếp nối là Thác Vàng, trong nắng hơi nước mát lạnh cùng hương tỏa sắc trên cao vách đá rừng Trúc ngả nghiêng như xòe bàn tay vẫy gọi cảnh sắc thật nên thơ, huyền ảo.

Từ Hoa Yên theo con đường hành hương dưới những cây Xích Tùng thân lớn mấy người ôm đi tiếp vào trong rừng chúng ta gặp Thác Bạc, Thác nay đã được đắp thành hồ nhỏ chứa nước sinh hoạt.

Tiếp tục vượt qua đường mòn ít dấu chân người chúng ta gặp một rừng Tùng lớn, với mật độ Tùng ở đây dày đặc dưới bóng Tùng ngày tưởng như đêm. Lần theo lối nhỏ bất chợt ta gặp lối đi của người xưa, những mảnh kiến trúc xưa nằm rải rác dưới lá dẫn ta đến với Am Dược, Am Hoa dẫu chỉ còn là phế tích nhưng sử đã ghi rõ rằng nơi đây trước kia là nơi trồng hoa hái thuốc của người tu hành ở Yên Tử.

“Tìm về nơi dấu Phật tích Tiên

Tiêu dao trong cõi động rừng thiền

Giữa rừng thảm cỏ xanh ngút ngát

Mọc đầy dược thảo núi Hoa Yên”

Trên con đường hành hương đến bia Phật phần lớn đoạn đường còn lại đều quanh co dốc đứng như thử sức người, phải chăng yếu tố tâm linh giúp cho người già yếu vẫn hành hương qua nơi đây đi tiếp gặp chùa:

Di tích danh thắng Yên Tử - Tiên cảnh trần gian
Chùa Bảo Sái

Chùa Bảo Sái

Chùa mang tên đệ từ của Trần Nhân Tông, Chùa ở độ cao 800m dựa vào vách núi dựng đứng, trong Chùa bài trí trang nghiêm đồng nhất phong cách với các Chùa trên tuyến hành hương. Cạnh Chùa có Ngộ Ngữ Việt, mái là vách đá, bàn ghế đá dấu vết đã mai một nhiều, từ đây nhìn ra đường khúc khuỷn mới thấy được nét cổ kính và vị trí đắc địa nơi đây. Trên vách chính còn khắc 2 vế đối:

“Thạch hóa Trúc Lâm lưu điển tích

Sơn cao bảo tọa kết lâu đài”

Rẽ sang ngang chừng 200m cùng ở độ cao của Chùa Bảo Sái là chùa:

Chùa Vân Tiêu

Chùa mới được xây dựng năm 2003, Chùa Vân Tiêu có nghĩa là tan mây bởi Chùa nằm trên sống núi quang đãng, từ Chùa Vân Tiêu ở trên cao nhìn xuống khu Thác Vọng Cung Tiên hình ảnh Thác đá núp dưới bóng Tùng như bức tranh thủy mạc thơ mộng, nơi đây còn có 5 ngọn Tháp cao thấp, có Tháp cao tới 7m, vườn Tháp rừng Tùng tuy ít nhưng là địa điểm đẹp song vắng khách do tuyến đường khá vất vả.

Men theo vách đá sau Chùa Vân Tiêu đoạn đường 700m cực kỳ hiểm trở khi vượt qua dốc đứng ta gặp rừng Trúc bạt ngàn, ở trên chỏm cao của một khu đất lớn trong sương khói mờ ảo hình ảnh một nhà sư mặc áo chùng hai tay chắp trước ngực như đang cầu nguyện, đó là tượng Yên Kỳ Sinh cao 3,5m bằng đá, tương truyền đây là hình ảnh của ông lúc còn sống đến tu hành đắc đạo hóa đá nơi đây trước công nguyên.

Di tích danh thắng Yên Tử - Tiên cảnh trần gian
Chùa Vân Tiêu

Tiếp tục hành trình chúng ta gặp sẻ đá nguyên khối hình rẻ quạt nghiêng từ Tây sang Đông, điều khiến ta ngỡ ngàng khi vượt qua gềnh đá được gọi là cổng trời. Một rừng sú rừng nguyên sinh trải dài hàng ngàn mét, sú ở đây thân to xù xì, ngọn rụt cành cong queo, lá dày xanh biếc, vào mùa xuân lộc sú phớt hồng điểm hoa trắng ngà. Đây là điều thật lạ bởi loạn cây này chỉ mọc ở ven biển, những dấu vết nấn nước trên đá, vỏ sò ở độ cao trên 1000m bất chợt ta gặp lại hình ảnh của biển cả giữa đỉnh non thiên.

Ngay sát cổng trời phía Đông Nam là bia Phật, bia là một hòn đá dẹt cao 3,5m, rộng 2m10, trên mặt khắc chữ lớn Thiên Trúc Tự nghĩa là Chùa Thiên Trúc, hàng trên khắc chữ Phật.

Đứng ở nơi đây mây bay giăng ngang choàng lên các mỏn dá dưới chân như tấm voan mỏng, mỗi khi gió thổi mây vờn quanh con người như đang bay lên cõi bồng lai cực lạc trong hư vô huyền ảo ta thấy mình bé nhỏ lạ lùng:

“Muôn hòn giao ngọc che ngoài cửa

Bao giải tua châu đá rủ mành

Di tích Nhân Tông còn lưu đấy

Trùng đông thấy giữa ánh quang minh”

Vượt qua đường đá thiên tạo không vết đường mòn, con đường thiên nhiên đưa ta đến đỉnh Phù Vân, ẩn hiện trong mây là bóng Chùa Đồng, xưa Chùa được gọi là Chùa Thiên Trúc.

Chùa Đồng

Chùa cũ cao 1m35, dài 1m4 bị mất thời Lê và được dựng lại tháng 1/2007 theo kích thước cũ.

Di tích danh thắng Yên Tử - Tiên cảnh trần gian
Chùa Đồng

Tọa lạc trên độ cao 1.068m, được khởi dựng vào thời nhà Hậu Lê với tên gọi Thiên Trúc Tự. Ngày nay chùa đã được trùng tu và tôn tạo nhiều. Chùa đã được đúc bằng đồng nguyên chất với chiều dài 4,6m, chiều rộng 3,6m, cao 3,35m và nặng hơn 70 tấn. Nơi đây như một đài sen thờ đức phật Thích Ca Mâu Ni và ba vị tổ thiền phái Trúc Lâm. 

Ở nơi đây thoát nắng thoát mưa, tương truyền lên Chùa Đồng ai đánh 3 tiếng chuông thời tiết sẽ thay đổi, lúc trời quang mây tạnh đứng ở đây bao quát cả không gian hùng vĩ của núi rừng Đông Bắc xa xa là Vịnh Hạ Long cứ nhấp nhô huyền ảo, như Rồng Phượng uốn lượn, sông Bạch Đằng như dải lụa kéo dài đến tận chân trời. Trong gió rừng Trúc lượn sóng chập chờn như sư tử vờn quanh đình Phù Vân ta như tỉnh như mơ chỉ khi tiếng chuông Chùa vang lên ta mới biết mình đang đứng trên đất Phật.

Thời điểm đến Yên Tử

Lễ hội Yên Tử diễn ra hàng năm bắt đầu từ mùng 10 tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch, thu hút hàng vạn người từ khắp nơi trong cả nước đổ về trẩy hội. Theo kinh nghiệm đi Yên Tử thì đi vào mùa lễ hội nhất là những ngày đầu khai hội sẽ rất đông, chính vì vậy nếu không bị giới hạn về mặt thời gian, công việc mình khuyên bạn nên tránh đi du lịchYên Tử trong thời gian này, hãy thử một khoảng thời gian khác để thấy một Yên Tử khác, đẹp và bình dị tới lạ thường. Nếu mục đích là đi Lễ thì bạn nên chọn sang tháng 2 âm đi cho đỡ đông. Còn mục đích đi vãn cảnh thì bạn có thể đi bất kỳ thời điểm nào trong năm.

Di tích danh thắng Yên Tử - Tiên cảnh trần gian
Quang cảnh Yên Tử

Đường lên Yên Tử

Từ Hà Nội có thể đi xe ô-tô vượt quãng đường 125 km, đến thành phố Uông Bí thì rẽ vào đường Yên Tử, đi tiếp khoảng 9 km thì rẽ trái. Có thể lên núi Yên Tử bằng hai cách: 

  • Theo đường cáp treo hiện đại vượt quãng đường trên 1,2 km lên tới độ cao 450 m gần chùa Hoa Yên. 
  • Theo đường đi bộ dài trên 6 km đã được gia cố bởi hàng nghìn bậc đá xếp, len lỏi theo lối mòn vượt qua bạt ngàn cây cỏ, dưới tán rừng trúc, rừng thông. Với cách này bạn có thể dừng lại ngắm cảnh và nghỉ ngơi khi mệt.
Di tích danh thắng Yên Tử - Tiên cảnh trần gian
Đường lên Yên Tử

Phương tiện đi lại khi đến Yên Tử

Có 2 cách để du khách có thể leo lên đỉnh Yên Tử: 

  • Đi bộ: Leo núi khá vất vả với đoạn địa hình đồi núi dài chừng 6km nhưng mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị. Từ bãi đỗ xe, bạn đi khoảng 300m đến suối Giải Oan – nơi hàng trăm cung nữ xưa kia đã trẫm mình xuống dòng nước để tỏ lòng trung thành với vua Trần Nhân Tông. Sau đó, bạn sẽ leo qua đường Tùng cổ hơn 700 năm tuổi để đến Tháp Tổ, chùa Hoa Yên, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, chùa Đồng. Thời gian cho cuộc hành trình sẽ mất chừng 6 – 8 tiếng nếu không phải thời điểm mùa hội. 
  • Đi cáp treo: Hệ thống cáp treo ở Yên Tử là một trong những cáp treo hiện đại nhất Việt Nam với chiều dài 1.2 km ở độ cao 450 m. Đi cáp treo cũng là trải nghiệm rất thú vị để du khách được ngắm trọn vẹn danh thắng Yên Tử trên cao. Thời gian cho cuộc hành trình mất khoảng 4 tiếng.
Di tích danh thắng Yên Tử - Tiên cảnh trần gian
Trải nghiệm cáp treo lên Yên Tử

Dịch vụ ăn ngủ khi đến Yên Tử

Trong quãng đường leo lên đỉnh núi Yên Tử bạn có thể nghỉ chân tại chùa Hoa Yên. Nơi đây có các dịch vụ nghỉ ngơi, ăn uống để bạn có thể nạp lại năng lượng cho quãng leo tiếp theo. Theo kinh nghiệm thì nếu bạn đi đông có thể đặt theo mâm. Điểm đặc biệt của trạm dừng chân này là bạn được thưởng thức món ăn đặc sản măng trúc Yên Tử. Ngồi trên núi cao thưởng ngoạn và thưởng thức thì còn gì bằng.

Di tích danh thắng Yên Tử - Tiên cảnh trần gian
Du lịch Chùa Yên Tử

Mua gì về làm quà ở Yên Tử?

Măng trúc tươi Yên Tử 

Đã đến Yên Tử, gần như ai cũng biết món măng trúc nổi tiếng ở đây. Măng trúc thường rất nhỏ thon, dài với độ giòn, vị ngọt đặc trưng nhỏ. Bản thân măng trúc vốn đã rất hấp dẫn nên dù có thể chế biến thành nhiều món như luộc, xào, nhồi thịt và món nào cũng rất ngon. Tuy vậy theo nhiều người thì món măng trúc luộc chấm muối vừng là cách chế biến ngon nhất. 

Di tích danh thắng Yên Tử - Tiên cảnh trần gian
Măng trúc tươi Yên Tử 

Dầu xoa bóp trầu tiên Yên Tử 

Là vùng rừng núi, ở Yến Tử có rất nhiều loại lá, cây thuốc tươi. Có điều để chọn mua cây thuốc đòi hỏi bạn phải có kinh nghiệm. Một lựa chọn an toàn đó chính là dầu xoa bóp trầu tiên Yên Tử được làm từ địa liền, gừng gió, trầu 1 lá và một số thảo dược khác. Được biết loại dầu thảo dược này rất dùng để xoa bóp rất hữu hiệu. 

Di tích danh thắng Yên Tử - Tiên cảnh trần gian
Dầu xoa bóp trầu tiên Yên Tử 

Chả mực 

Chả mực Quảng Ninh thuộc hàng những món ăn đặc sản của Việt Nam. Món chả mực ngon phải được làm từ mực tươi giã tay sao cho vừa đủ nhuyễn để có thể dính, vừa phải còn những miếng mực nhỏ để chả mực được giòn. Sao đó hỗn hợp được ướp thêm chút hạt tiêu và nước mắm vừa đủ, người ta nặn thành từng miếng rồi đưa lên chảo chiên vàng.

Di tích danh thắng Yên Tử - Tiên cảnh trần gian
Chả mực 

Con đường hành hường đưa du khách về bên phát tích của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử, trong cảnh sắc huyền ảo nơi đây muôn loài đơm hoa nảy lộc. Mỗi chúng ta chợt như được giũ bỏ bụi trần đứng bên Am, Tháp, Đền, Đài chúng ta tạm gác lo toan thường nhật để chiêm nghiệm lại chính mình:

“Chưa lên Yên Tử chưa thành quả tu”

Phong cảnh núi rừng, Chùa, Tháp hòa trong dòng người hành hương với bao điều khát vọng cầu phúc, cầu tài, cầu bình an cho đất nước cho mọi nhà đó là hạnh phúc của mỗi người Việt.

Di tích danh thắng Yên Tử - Tiên cảnh trần gian

Anh/Chị muốn làm đại lý online, cộng tác viên online (Kinh doanh online không cần vốn)

Đăng ký qua link: https://aff.thuonghieuvietnoitieng.com/admin/register

Hoặc liên hệ hotline : 0983837488,0912888586 để được hỗ trợ trực tiếp !