Di chuyển bằng máy bay đã không còn quá xa lạ đối với tất cả mọi người, tuy nhiên để không gặp phải những rắc rối dẫn đến lỡ chuyến bay của mình, bạn nên chú ý chuẩn bị đầy đủ những thủ tục cần thiết, đặc biệt là các giấy tờ liên quan giúp bạn sẽ có một chuyến hành trình hoàn hảo.
Sổ tay hướng dẫn hành khách đi tàu bay
Nhằm cung cấp thêm thông tin cho hành khách đi lại bằng đường hàng không, Cục Hàng không Việt Nam đã tổ chức biên soạn và ban hành “Sổ tay hướng dẫn hành khách đi tàu bay”.
Sổ tay tập hợp các nội dung liên quan đến thực tiễn, thông lệ và các quy định liên quan đến vận chuyển hàng không quốc tế và nội địa, nhằm giúp hành khách chuẩn bị cho một chuyến đi tàu bay an toàn, thuận tiện hơn.
Sổ tay tập hợp nhiều thông tin hữu ích đối với hành khách: Những điều cần lưu ý và chuẩn bị trước chuyến bay; giấy tờ đi tàu bay; các phương thức làm thủ tục hàng không; thời gian mở/đóng quầy làm thủ tục hàng không; các quy định về hành lý xách tay, hành lý ký gửi; lưu ý về thủ tục xuất nhập cảnh, thủ tục khai báo Hải quan; thủ tục soi chiếu an ninh hàng không; những việc cần làm khi trên tàu bay; các dịch vụ đặc biệt dành cho hành khách; lời khuyên liên quan đến sức khỏe khi đi lại bằng đường hàng không; số điện thoại liên lạc khi khiếu nại và ý kiến của hành khách...
Cần chuẩn bị gì trước khi đến sân bay?
Mua vé máy bay
Bạn có thể mua vé máy bay trực tiếp từ các hãng hàng không hoặc mua vé thông qua các đại lý. Giá vé máy bay mua qua đại lý hay mua trước khi bay một thời gian thường sẽ rẻ hơn.
Nếu bạn thường xuyên online, bạn có thể mua vé máy bay trong các chương trình khuyến mãi với giá rẻ hơn nhiều so với bình thường. Tuy nhiên, những vé giá rẻ này thường có hạn chế là thời gian hợp lệ của vé ngắn, số kg đồ gửi thấp, không được trả lại vé một khi đã mua hoặc số tiền trả lại sẽ thấp so với vé bình thường…
Những giấy tờ cần thiết
- Trước khi lên sân bay bạn phải chuẩn bị những giấy tờ sau:
- Vé máy bay
- Chứng minh thư đối với các chuyến bay nội địa hoặc hộ chiếu đối với các chuyến bay quốc tế.
- Visa nếu nước bạn đến yêu cầu.
Hiện nay một số nước đã miễn visa đối với công dân Việt Nam khi mang hộ chiếu phổ thông nếu ở lại trong vòng 30 ngày như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Brunei, Kyrgyzstan, Panama, Ecuador, Đảo Jeju (Hàn Quốc), Đài Loan…
Tiền mặt để đóng thuế sân bay khi đi
Một số sân bay tại châu Á như sân bay Nội Bài (Hà Nội), sân bay Don Muang (Bangkok)… thu thêm lệ phí sân bay khi bạn đi máy bay từ sân bay đó. Thông thường lệ phí này tính bằng đơn vị tiền của nước sở tại vì vậy bạn nên chuẩn bị sẵn số tiền này để tránh phải quy đổi tiền tại sân bay.
Hành lý
Đầu tiên, vì lý do an ninh nên bạn không được phép mang theo các vật dụng có tính sát thương như dao, kéo, vật dụng gây nổ… Ngoài ra, mỗi hãng còn có những quy định riêng về danh mục các mặt hàng không được mang theo, bạn nên tham khảo trước thông tin của hãng hàng không bạn đi.
Thứ hai, những đồ dùng, hành lý mà bạn mang theo khi lên máy bay sẽ chia làm hai loại. Vì vậy, bạn nên sắp xếp hành lý của mình theo 2 loại như sau:
Đồ xách tay (hand/cabin luggage) là hành lý mà bạn mang theo bên mình khi lên máy bay, bạn sẽ để hành lý này lên giá phía trên ghế ngồi hoặc dưới gầm ghế hoặc có thể giữ bên mình. Thông thường quy định về hành lý xách tay là không được vượt quá 7 kg và tổng kích thước 3 chiều (dài, rộng, cao) không được vượt quá 115cm (56 cm x 36 cm x 23 cm).
Đồ gửi (checked luggage) thường là hành lý nặng, cồng kềnh mà bạn gửi khi làm thủ tục check-in, hành lý này sẽ được để ở khoang hành lý riêng của máy bay, bạn chỉ có thể lấy đồ tại sân bay đến. Theo quy định thì hành lý ký gửi không được vượt quá 32 kg và tổng kích thước 3 chiều (dài, rộng, cao) không được vượt quá 119cm x 119 cm x 81cm.
Thông thường, mỗi hành khách khi đi hãng hàng không Vietmam Airlines sẽ được hưởng một tiêu chuẩn hành lý miễn cước như sau:
- Hạng Thương gia và Phổ thông đặc biệt: 30 kg hành lý ký gửi + 02 kiện hành lý xách tay
- Hạng Phổ thông: 20 kg hành lý ký gửi + 01 kiện hành lý xách tay
Đối với hành khách đi hãng Vietjet Air hoặc Jetstar thì chỉ được miễn phí hành lý xách tay không quá 7Kg.
Lên máy bay
Khi đến giờ lên máy bay, nhân viên của hãng hàng không bạn đi sẽ đến hướng dẫn ở phòng đợi. Hành khách có vé hạng cao hơn vào trước, tiếp đến là những người tàn tật, những người có trẻ em đi cùng, những người còn lại xếp hàng lần lượt vào hoặc nhân viên sẽ gọi theo số ghế. Bạn đưa ra Thẻ lên máy bay (Boarding Pass), nhân viên xé một phần và đưa lại cho bạn mảnh nhỏ hơn trên đó có ghi số ghế của bạn, bạn đi theo hành lang nhỏ để lên máy bay hoặc ra xe bus để đến chân máy bay.
Khi lên máy bay, bạn sẽ ngồi vào ghế theo số được ghi trên Boarding Pass của bạn. Bạn có thể gọi tiếp viên bằng cách ấn nút trên ghế ngồi của mình.
Sau khi máy bay cất cánh, tùy theo mỗi hàng hàng không cũng như hạng vé, mỗi người được phát một khăn mặt để lau mặt và tay. Đồ uống được đem ra, bạn có thể chọn rượu mạnh (tùy tuyến bay), rượu vang, bia, nước ngọt, nước hoa quả, nước khoáng. Đi đường dài, chuyến bay sẽ có 2 bữa ăn chính và một bữa phụ. Chuyến đi ngắn thường chỉ có 1 bữa ăn, đôi khi không phục vụ rượu miễn phí. Sau khi ăn xong tiếp viên sẽ phục vụ cafe hoặc chè.
Ngoài các bữa ăn bạn có thể xin nước uống bất cứ lúc nào. Nếu lạnh, bạn có thể nói tiếp viên cho mượn chăn để đắp. Khi đi đường dài, thỉnh thoảng bạn nên ra khỏi chỗ đi lại cho đỡ mỏi và tập các động tác để thư giãn cơ thể.
Xuống máy bay
Trừ trường hợp phải xuống gấp để kịp thời gian đi chuyến tiếp theo, những hành khách ra khỏi máy bay đầu tiên là những người có vé hạng cao, những người còn lại xếp hàng lần lượt ra. Nếu đông hành khách hoặc máy bay lớn, có thể có thêm đường ra ở phía đuôi máy bay.
Tùy theo chuyến bay của bạn, sân bay đã định sẵn cổng với các hướng dẫn tương ứng. Có các trường hợp sau:
Bạn đi transit, điểm dừng này hoàn toàn độc lập với điểm đến tiếp theo (không chung visa nhập cảnh), ví dụ đi từ Hà Nội đến Amsterdam transit tại Singapore: HAN – SIN - AMS, khi đó nếu bạn đã có Boarding Pass của chặng tiếp theo (Sing - Ams) bạn có thể đến thẳng phòng đợi hoặc xem trên bảng điện tử, nếu chưa có Boarding Pass bạn có thể tìm đến Transfer desk để hỏi và làm thủ tục check-in cho chặng tiếp theo.
Bạn đi transit, điểm dừng này và điểm đến tiếp theo có chung visa nhập cảnh. Ví dụ, đi từ Hà Nội đến New York (Mỹ) transit tại Los Angeles (Mỹ): HN – LA – NY, bạn sẽ phải làm thủ tục nhập cảnh ở LA trước khi đi chặng tiếp theo vì chặng tiếp theo LA – NY là tuyến nội địa.
Nếu đây là điểm cuối của hành trình, bạn để ý các biển báo chỉ hướng Arrival/Exit:
- Nếu tuyến bạn vừa đi là tuyến nội địa bạn sẽ đến thẳng khu lấy đồ.
- Còn nếu đó là tuyến quốc tế bạn sẽ đến khu vực làm thủ tục nhập cảnh.
Thêm đánh giá