Du lịch Chùa Hương
Vinacel - Sàn Giao Dịch TMĐT Kết Nối Trực Tiếp Nhà Cung Cấp Đến Người Tiêu Dùng | Cam kết bán hàng chính hãng, đúng giá, đúng chất lượng, giao hàng nhanh, đổi trả tại chỗ
CẨM NANG DU LỊCH

Du lịch Chùa Hương

Du lịch Chùa Hương

Từ Trung tâm Hà Nội dọc theo quốc lộ 21B khoảng 40km về phía nam, chúng ta đến xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. Dọc theo dòng suối Yến về với thắng cảnh Hương Tích, ở đây du khách chính thức được bước chân đến cửa Phật nơi Bồ Tát Quan Thế Âm ứng hiện tu hành.

Du lịch Chùa Hương
Du lịch Chùa Hương

Chùa Hương là nơi duy nhất trên cả nước khi du khách đến cửa Phật phải di chuyển bằng đò trên dòng Suối Yến thơ mộng hữu tình. Dưới dòng Suối là những ngọn thủy sinh xanh biếc, hai bên ven bờ là những bông hoa súng đầy màu sắc… Cùng với đó là sự kết hợp sơn thủy hữu tình, những dãy núi đá vôi xanh biếc.

Chùa Hương là một điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, đặc biệt là những dịp đầu Xuân năm mới, lễ chùa du xuân luôn là một hoạt động được ưa chuộng và một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần người Việt.

Du lịch Chùa Hương

Lịch sử Chùa Hương

Chùa Hương là cách nói trong dân gian, trên thực tế chùa Hương hay Hương Sơn là cả một quần thể văn hóa - Tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ Thần, các ngôi Đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Trung tâm chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, nằm ven bờ phải sông Đáy. Trung tâm của cụm đền chùa tại vùng này chính là chùa Hương nằm trong động Hương Tích hay còn gọi là chùa Trong.

Chùa Thiên Trù trong quần thể Chùa Hương là ngôi Chùa được xây dựng với quy mô chính vào khoảng cuối thế kỷ 17, sau đó bị hủy hoại trong kháng chiến chống pháp năm 1947, sau đó được phục dựng lại năm 1988 do Thượng Toạ Thích Viên Thành dưới sự chỉ dạy của cố Hoà Thượng Thích Thanh Chân.

Du lịch Chùa Hương
Đền trình Chùa Hương

Theo cuốn Hương Sơn Thiên Trù Tvhiền Phả, một vị hòa thượng được lệnh của chúa Trịnh (sau khi đi tuần thú) xác định địa điểm và cho xây dựng Chùa Hương Tích ở Hà Nội từ đời Lê Huy Tông dưới niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1704). Trong khi theo sách Hương Sơn báu quyển, Chùa Hương ở Hà Tĩnh là một động cao và khuất, thường có mây mù bao phủ.

Vậy vì sao lại có thêm một chùa Hương "Phiên bản" ở phía Bắc? Câu trả lời là vào thời Lê - Trịnh, các Vua Lê - Chúa Trịnh phần lớn có quê ở xứ Thanh (xem Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái) nên các phi tần, mỹ nữ đa số được chọn tuyển ở miền Hoan Châu. Hằng năm các cung phi, cung nữ Thanh - Nghệ - Tĩnh thường trẩy hội Chùa Hương trên núi Hồng Lĩnh vào ngày 18/2 âm lịch bằng đường thủy qua cửa Hội Thống (gần Cửa Lò bây giờ). Mỗi lần những "Người đẹp" đi xa như vậy khiến Chúa Trịnh rất phân vân (tuy đã bố trí lính vệ phục dịch dọc đường), do đó Chúa Trịnh mới gọi một vị hòa thượng xác định địa điểm ở miền rừng núi Hà Sơn Bình để xây Chùa Hương Tích thứ hai mà thờ vọng để các "Người đẹp" đi trẩy hội gần hơn. Như vậy nhờ "Sáng kiến" của Chúa Trịnh mà Việt Nam có hai Chùa Hương Tích.

Du lịch Chùa Hương
Động Hương Tích

Kiến trúc Chùa Hương

Quần thể chùa Hương có nhiều công trình kiến trúc rải rác trong thung lũng Suối Yến. Khu vực chính là Chùa Ngoài, còn gọi là Chùa Trò, tên chữ là Chùa Thiên Trù. Chùa nằm không xa bến Trò nơi khách hành hương đi ngược suối Yến từ bến Đục vào chùa thì xuống đò ở đấy mà lên bộ. Tam quan chùa được cất trên ba khoảng sân rộng lát gạch. Sân thứ ba dựng tháp chuông với ba tầng mái. Đây là một công trình cổ, dáng dấp độc đáo vì lộ hai đầu hồi tam giác trên tầng cao nhất. Tháp chuông này nguyên thủy thuộc chùa làng Cao Mật, tỉnh Hà Đông, năm 1980 được di chuyển về Chùa Hương làm tháp chuông.

Chùa Chính, tức chùa Trong không phải là một công trình nhân tạo mà là một động đá thiên nhiên. Ở lối xuống hang có cổng lớn, trán cổng ghi 4 chữ Hương Tích Động Môn. Qua cổng là con dốc dài, lối đi xây thành 120 bậc lát đá. Vách động có năm chữ Hán: Nam thiên đệ nhất động khắc năm 1770, là bút tích của Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm (1739-1782). Ngoài ra động còn có một số bia và thi văn tạc trên vách đá.

Du lịch Chùa Hương
Chùa Hương

Hội chùa Hương

Chùa Hương là một ngôi Chùa nổi tiếng của miền Bắc bởi Chùa vừa linh thiêng lại tọa lạc ở một nơi non nước hữu tình, cảnh sắc sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, những cây hao gạo vào mùa tháng 3 đỏ rực trời trên núi Hương Tích. Vì vậy, đến chùa Hương bạn không chỉ được cầu lộc, cầu tài mà còn được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên và vãn cảnh chùa thanh tịnh.

Hội chùa diễn ra từ mùng 6 tháng giêng và kéo dài tới hết tháng 3 âm lịch. Đây là một trong những lễ hội được xem lớn nhất Việt Nam. Chính hội diễn ra từ rằm tháng giêng đến 18 tháng 2 âm lịch. Đến hội vào thời gian này bạn sẽ được hòa mình vào không khí tưng bừng với những hoạt động như: hội bơi thuyền, hát chèo đò, hát văn...

Du lịch Chùa Hương
Thiên Trù

Đỉnh cao của lễ hội là từ rằm tháng riêng đến 18 tháng hai âm lịch. Ngày này, vốn là ngày lễ khai sơn (lễ mở cửa rừng) của địa phương. Đến nay nghi lễ "Mở cửa rừng" hàm chứa ý nghĩa mới là mở cửa chùa. Lễ hội Chùa Hưng trong phần lễ thực hiện rất đơn giản. Trước ngày mở hội một ngày, tất cả các Đền, Chùa, Đình, Miếu đều khói hương nghi ngút.

Ở trong Chùa Trong có lễ dâng hương, gồm hương, hoa, đèn, nến, hoa quả và thức ăn chay. Lúc cúng có hai tăng ni mặc áo cà sa mang đồ lễ chay đàn rồi mới tiến dùng đồ lễ lên bàn thờ. Từ ngày mở hội cho đến hết hội, chỉ thỉnh thoảng mới có sư ở các chùa trên đến gõ mõ tụng kinh chừng nửa giờ tại các Chùa, Miếu, Đền. Còn hương khói thì không bao giờ dứt. Về phần lễ có nghiêng về "Thiền". Nhưng ở chùa ngoài lại thờ các vị sơn thần thượng đẳng với đủ màu sắc của đạo giáo. Đền Cửa Vòng là "Chân Long Linh Từ” thờ bà Chúa Thượng Ngàn, là người cai quản cả vùng rừng núi xung quanh với cái tên là "Tì nữ Tuý Hồng" của Sơn Thần tối cao. Chùa Bắc Đài, chùa Tuyết Sơn, Chùa Cả và Đình Quân thờ Ngũ Hổ và tín ngưỡng Cá Thần.

Du lịch Chùa Hương
Lễ hội Chùa Hương thu hút du khách 

Như vậy, phần lễ là toàn thể hệ thống tín ngưỡng gần như là cả một tổng thể tôn giáo ở Việt Nam; có sự sùng bái tự nhiên, có Đạo, có Phật và có cả Nho. Trong lễ hội có rước lễ và rước văn. Người làng dinh kiệu tới nhà ông soạn văn tế, rước bản văn ra đền để chủ tế trịnh trọng đọc, điều  khiển các bô lão của làng làm lễ tế rước các vị thần làng.

Lễ hội Chùa Hương là nơi hội tụ các sinh hoạt văn hóa dân tộc độc đáo như bơi thuyền, leo núi và các chiếu hát chèo, hát văn… Vào những ngày tổ chức lễ hội, chùa Hương tấp nập vào ra hàng trăm thuyền. Nét độc đáo của hội Chùa Hương là thú vui ngồi thuyền vãng cảnh lạc vào non tiên cõi Phật.

Ðặt núi lam trên nước biếc dờn

Tạc đá muôn hình trong cửa động.

Du lịch Chùa Hương
Cầu Hội Chùa Hương

Hai câu thơ này đã khéo léo gợi ra trong tâm trí người đọc những hình dung ban đầu về cảnh sắc đa dạng của Hương Sơn qua những chi tiết như: núi lam, nước biếc dờn, đá muôn hình, cửa động. Nhà thơ như một hướng dẫn viên đang khỏa mái chèo trên dòng Suối Yến, đưa bước chân du khách tới thăm một quần thể kiến trúc đẹp mê hồn của tạo hóa:

Trong làn nước nhẹ mọc rong xanh

Như gấm mơ hồ dưới thuỷ tinh

Chèo khoả, chèo lên, chèo lại khoả

Thuyền đi trên vạn sắc màu xinh. 

Du lịch Chùa Hương
Chùa Hương bức tranh sơn thủy hữu tình

Nếu ai chưa từng đặt chân đến chùa Hương thì cũng thật khó để cảm nhận hết vẻ đẹp của xứ sở này, khó mà hiểu thấu đáo được cái gấm mơ hồ dưới thủy tinh, vạn sắc màu xinh mà tác giả nói đến trong 4 câu thơ trên. Ở đây, nhà thơ đã sử dụng thủ pháp so sánh (ví những lớp rong xanh tựa như một dải gấm huyền bí đặt dưới dòng Suối Yến - trong như thủy tinh) để đặc tả vẻ đẹp của dòng suối thơ mộng, thực mà như mơ. Câu thơ tả suối Yến không chỉ ở độ sâu, độ trong mà còn cả ở sự bí ẩn! Bí ẩn bởi lớp lớp rêu xanh qua bao năm tháng? hay bí ẩn bởi những truyền thuyết mà người ta đã dựng nên để nói về nó? Câu thơ chèo khỏa, chèo lên, chèo lại khỏa gợi lên nhịp mái chèo đang khua nhẹ giữa cái mênh mông, tươi thắm của đất trời vào xuân.

Thi sĩ đi vãn cảnh đầu xuân nên mới thấy được cái vạn sắc màu xinh. Vạn sắc ấy phải chăng chính là: Màu trong xanh của nước suối, màu đỏ tươi của những bông hoa gạo đầu mùa, màu xanh mướt của những cánh đồng lúa ven suối, màu lam thẫm cuả những rặng núi, màu vàng nâu của những nếp nhà tranh, màu trắng của những đám mây và màu sặc sỡ của những bộ trang phục du khách mặc đi trẩy hội...?

Du lịch Chùa Hương
Dòng Suối Yến thơ mộng

Đến chùa Hương ấn tượng đầu tiên là nước, sau đó là núi. Dãy núi Hương Sơn không đẹp ở chiều cao, mà đẹp ở chiều dài, chiều rộng, ở cái thế quần tụ, ở sự giao hòa mênh mang giữa trời và đất, ở bố cục nhịp nhàng giữa núi với núi, ở sự hài hòa giữa thủy với sơn. Nhưng hơn cả, đến nơi này con người được lắng mình trong cái thẳm sâu của cõi tâm linh với trái tim đầy hướng thiện:

Núi con Voi phục, núi Mâm xôi,

Núi ở xa, núi cạnh người,

Từng dậm du dương non đổi nước

Cảm như đàn nhạc hát không thôi.

Nước dẫn ta đi với sắc trời.

Du lịch Chùa Hương
Động Hương Tích linh thiêng

Xuân Diệu đã nói được chính xác cái đặc sắc về kiến trúc tổng thể đó qua mấy câu thơ trên. Du khách đến Hương Sơn sẽ được tắm mình trong vẻ đẹp vừa hoang sơ, trần tục, vừa lâng lâng, siêu thoát !

Ðến bờ, vừa đỗ chiếc thuyền thoi

Cỏ cây yên tĩnh và trong sạch

Ðã đợi ngàn năm bạn với người.

Du lịch Chùa Hương
Cây gạo bên dòng Suối Yến vào Chùa Hương

Ðò suối Yến đỗ bến Thiên Trù, khách lên thăm cảnh chùa Thiên Trù (chùa Trò). Mỗi câu thơ như một bậc đá dẫn ta đến chốn cửa Phật thanh tịnh. Đến bờ là một không gian khác, không gian không vướng bụi trần. Con người được đắm mình, thả hồn vào thiên nhiên yên tĩnh, trong trẻo; không còn những bon chen, xô bồ; không còn những vui buồn, sầu khổ... mà chỉ có sự thanh thản giữa lòng thiên nhiên rộng lớn.

Dù diễn đạt bằng những ngôn từ, hình ảnh khác nhau nhưng sự xúc động đến ngỡ ngàng của hai tác giả thì có lẽ không khác nhau là mấy! Thăm cảnh chùa Thiên Trù, nghỉ ngơi rồi du khách cùng:

...Rẽ núi, ta đi vào cửa Ðộng

Ngoảnh sau, nhìn lại dáng chùa Tiên

Qua suối Giải Oan, am Phật Tích

Chân ta quen thuộc với đường lên

TVC giới thiệu Chùa Hương

Ðường núi dẫn vào động - Chùa Hương Tích mang vẻ đẹp khúc khuỷu như cách nói của Chu Mạnh Trinh Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây. Trong ngôn ngữ thường dùng, Chùa Hương gần như đồng nghĩa với toàn bộ cảnh đẹp Hương Sơn. Trong quần thể này, du khách không thể không đến thăm những địa điểm nổi tiếng như đã kể trên để vãn cảnh, để cầu chúc những điều tốt lành, may mắn và đôi khi chỉ để tìm sự yên tĩnh trong tâm hồn. Bước chân du khách đã quen dần với từng bậc đá, quen dần với sự quanh co uốn lượn của những con đường ven triền núi nhưng vẫn không sao hết ngỡ ngàng, thảng thốt trước vẻ đẹp thần tiên, kỳ ảo của hoa rừng:

Duy mãi chưa quen với tuyết mai

Hoa mai như tuyết nhẹ như hơi

Rừng mơ Hương Tích ba lần gặp

Từ tuổi thanh niên đến giữa đời.

Mà vẫn bàng hoàng như giữa mộng

Mơ hay là thực, hỡi hoa mơ?

Cứ nhắm mắt lại mà tưởng tượng, chính chúng ta cũng không giấu nổi sự xúc động đến trầm trồ trước khung cảnh quá đỗi nên thơ nơi trần gian hiện hữu này!

Du lịch Chùa Hương

Đường đi đến chùa Hương

Bạn có thể chọn đi ô tô, xe máy hoặc sinh viên có thể đi xe buýt. Có 2 con đường có thể đi từ Hà Nội:

  • Thứ nhất, theo hướng Nguyễn Trãi – Hà Đông, rẽ trái ở ngã ba Ba La đi Vân Đình. Sau đó đi tiếp khoảng 40km đến Tế Tiêu rẽ trái và hỏi đường đi chùa Hương.
  • Hai là theo hướng quốc lộ 1A Pháp Vân – Cầu Rẽ, rẽ phải ở nút giao Đồng Văn vào quốc lộ 38, chạy tiếp tầm 15km theo hướng chợ Dầu là đến chùa Hương. Tuy nhiên, đường này chỉ dành cho ô tô, nếu bạn đi xe máy thì nên chọn cách thứ nhất hoặc đi theo quốc lộ 1A cũ hướng đi Thanh Trì.
  • Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn xe bus làm phương tiện di chuyển đến chùa Hương.
Du lịch Chùa Hương
Khung cảnh nên thơ

Các điểm tham quan ở Chùa Hương

Chùa Hương là một quần thể kiến trúc rải rác trong thung lũng Suối Yến, có 4 tuyến hành hương:

  • Tuyến Hương Tích: Đền Trình – Chùa Thiên Trù – Động Tiên Sơn – Chùa Giải Oan – Đền Trần Song – Động Hương Tích – Chùa Hinh Bồng.
  • Tuyến Thanh Sơn: Chùa Thanh Sơn – Động Hương Đài.
  • Tuyến Long Vân: Chùa Long Vân – Động Long Vân – Hang Sũng Sàm.
  • Tuyến Tuyết Sơn: Chùa Bảo Đài – Động Chùa Cá – Động Tuyết Sơn.
Du lịch Chùa Hương
Cáp treo lên đỉnh Chùa Hương

Giá vé thắng cảnh Chùa Hương

Tuyến chính Đền Trình - Thiên Trù - Hương Tích: 130.000 VNĐ/khách, trong đó: Vé thắng cảnh: 80.000 VNĐ/khách;  Vé đò thuyền: 50.000 VNĐ/khách.

Các trường hợp ưu tiên:

  • Người lớn từ 60 tuổi trở lên thì mức giá vé thăm quan được ưu đãi giảm 50% (Với người lớn từ 60 tuổi trở lên khi mua vé cần xuất trình CMND hoặc thẻ hội viên Hội người cao tuổ)
  • Trẻ em dưới 10 tuổi được miễn vé thăm quan.
  • Trẻ em trên 10 tuổi được giảm 50%, trẻ em cao 1,1m trở lên mức phí thăm quan tính như người lớn. 
  • Học sinh, sinh viên (khi mua vé cần xuất trình thẻ).
  • Đối tượng thuộc diện chính sách xã hội: người tàn tật, người già neo đơn, các đối tượng được chăm sóc tại các trung tâm bảo trợ xã hội, học sinh dân tộc nội trú.
  • Vé đò thuyền tuyến Tuyết Sơn và Long Vân: 30.000 VNĐ/khách
  • Giá vé cáp treo: Người lớn: 160.000đ/vé khứ hồi, 100.000đ/vé 1 lượt;  Trẻ em: 100.000đ/vé khứ hồi, 70.000đ/vé 1 lượt (Lưu ý: trẻ em cao trên 1,1m mua vé như người lớn).
Du lịch Chùa Hương
Chùa Hương - Điểm đến du lịch tâm linh

Đến du lịch chùa Hương, bạn sẽ sử dụng rất nhiều đồ ăn thức uống, hãy vứt rác đúng nơi quy định và giữ gìn vệ sinh chung để bảo vệ môi trường khu du lịch sạch sẽ. Trang phục đứng đắn, lịch sự, không nên có những cử chỉ khiếm nhã cười đùa to tiếng gây mất trật tự trong chùa. Vì sẽ di chuyển nhiều nên bạn hãy chuẩn bị những đôi giày thể thao thay vì giầy cao gót để bảo vệ đôi chân của mình.

Một ngày về với đất Phật Hương Sơn đọng lại trong mỗi du khách cảm xúc, ấn tượng khó quên bởi cảnh vật nơi đây. Không những vậy du khách hành hương còn được cởi bỏ áp lực và tịnh tâm an bình!

Du lịch Chùa Hương

Anh/Chị muốn làm đại lý online, cộng tác viên online (Kinh doanh online không cần vốn)

Đăng ký qua link: https://aff.thuonghieuvietnoitieng.com/admin/register

Hoặc liên hệ hotline : 0983837488,0912888586 để được hỗ trợ trực tiếp !